Chống vi phạm bản quyền bằng phần mềm giá rẻ

  •  
  • 260

Giá tiền mua ứng dụng có thể giảm đến một nửa nếu người dùng chọn đúng sản phẩm phù hợp. Nó cũng không còn quá nặng nề nếu được coi là khoản đầu tư, có kế hoạch thu hồi và sinh lãi.

Trong máy tính gia đình hoặc văn phòng nhỏ có nhiều ứng dụng đẳng cấp chuyên nghiệp (Professional), nhưng chủ nhân không biết hết tính năng những phần mềm mình đang có. Nhiều người cài đặt nguyên cả bộ MS Office 2003 Professional có dung lượng khoảng 1,5 GB chỉ để chạy 2 phần mềm MS Word và MS Excel (khoảng 500-600 MB), hoặc cần dùng Photoshop (350 MB) thì người dùng sẽ cài toàn bộ Adobe Creative Suite (khoảng 1,2 GB).

Nếu bỏ tiền ra mua, toàn bộ số phần mềm này lên tới hàng nghìn USD nhưng quá nửa được chi cho những tính năng không cần thiết. Việc chọn sản phẩm hợp lý cũng giúp người dùng cũng giảm được quá nửa. Tại Việt Nam, bộ cài đặt Windows XP, phiên bản Professional Service Pack 2 được bán với giá 306 USD, trong khi phiên bản Home Edition chỉ khoảng 146 USD, thậm chí Starter Edition chỉ có 42 USD. Bộ Office 2003 SP2 đầy đủ có giá 360 USD, trong khi bản rút gọn Basic Edition là 208 USD.

"Đồ hiệu" cho tổ chức

Có giá bán tới 470 USD, Windows Vista Ultimate chưa thích hợp cho người dùng phổ thông tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Phần mềm bản quyền có ưu thế ở lịch trình cập nhật, hỗ trợ kỹ thuật từ phía nhà sản xuất. Theo ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ Công nghiệp, thì tiền mua bản quyền phần mềm thoạt nhìn con số thì lớn, nhưng đắt hay rẻ phụ thuộc vào việc sử dụng đó như thế nào. Mua mà không dùng thì dù một xu cũng phí.

Việc tính toán chi phí phần mềm có thể khiến số lượng máy tính giảm xuống nhưng hiệu quả sẽ tăng lên”, ông Hà nói. "Phần mềm của Microsoft vẫn là lựa chọn cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn vì có độ tin cậy cao, số lượng dữ liệu cũ lớn, tích hợp và phát triển các dịch vụ nhanh chóng. Đặc biệt, chúng có lộ trình nâng cấp ổn định và hỗ trợ kỹ thuật từ chính hãng".

"Các hãng taxi không thể đợi BMW giảm giá cho mình mới mua về để kinh doanh họ chọn các loại xe khác rẻ tiền hơn. Vậy nên các công ty cũng không nên phàn nàn tiền mua phần mềm có bản quyền đắt đỏ. Chúng ta hoàn toàn có những giải pháp khác như phần mềm nguồn mở, phần mềm giá rẻ”, anh Nguyễn Trường Giang, cán bộ tin học của Bộ Quốc phòng, nói.

Giá rẻ cho người dùng cá nhân

Để chống vi phạm bản quyền phần mềm và thay đổi ý thức người dùng, chúng ta có thể bắt đầu từ những phần mềm giá rẻ”, anh Nguyễn Trường Giang nhận xét.

Việc dùng phần mềm chùa quá lâu khiến người dùng quên khái niệm chọn mua phần mềm phù hợp với mình. Thậm chí một số chuyên gia trong làng CNTT cũng có thói quen này và mã đóng gần như được đồng nhất với các sản phẩm của Microsoft.

Bài học đã được chứng minh tại Trung Quốc, nước láng giềng có tình trạng vi phạm bản quyền tương tự Việt Nam. Bằng cách tung ra bộ ứng dụng văn phòng WPS Office giá rẻ với tính năng tương tự MS Office, hãng KingSoft từng bước chiếm lĩnh thị trường và hiện sở hữu 54% thị phần phần mềm văn phòng, gần như 100% tổ chức nhà nước và đất nước này. Ông Qui Bojun, Chủ tịch hãng phần mềm này, được gọi là “Bill Gates của Trung Quốc” từng tuyên bố: “Microsoft có thể kiếm tiền trên khắp thế giới, nhưng tại Trung Quốc thì không”.

Bộ phần mềm WPS Office 2005 có tính năng tương tự MS Office với giá chỉ bằng 1/10. Ảnh: KingSoft.

Đại diện KingSoft cho biết hãng này đang xúc tiến những công tác cuối cùng để đưa hai sản phẩm phần mềm WPS Office 2005 vào Việt Nam. Tháng 4/2006, ông Qui Bojun, chủ tịch tập đoàn KingSoft, đã sang làm việc với lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Công việc Việt hóa sản phẩm đang được tiến hành và dự kiến bộ phần mềm này sẽ có mặt trên thị trường trong năm nay với giá chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm của Microsoft.

Trao đổi với VnExpress, ông Qui Bojun cho biết WPS Office 2005 hoàn toàn tương thích với bộ MS Office. MS Word hoàn toàn có thể mở và xử lý các file văn bản của WPS và ngược lại.

Nguồn mở ấn tượng nhưng chưa đến thời

Trong khi những phần mềm giá rẻ chưa phổ biến ở Việt Nam, phần mềm mã nguồn mở lại đột ngột nổi lên như giải pháp duy nhất cho thời "bản quyền siết chặt" với chi phí "chỉ khoảng 10-20 USD cho mỗi máy tính". Nhưng các chuyên gia cho rằng thực tế thì không có cái gì hoàn toàn miễn phí. Việc thay đổi thói quen của người sử dụng sẽ phải tính bằng tiền và chưa chắc số tiền đó nhỏ hơn tiền mua bản quyền các sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, phần mềm nguồn mở là sản phẩm của cộng đồng, do chính những người dùng tự xây dựng lên, được tự do phân phát và sử dụng. Điểm yếu nhất trong ứng dụng nguồn mở hiện nay ở Việt Nam là lực lượng người dùng máy tính chưa đủ cả chất và lượng để tiếp tục nâng cấp. Một số ít người tham gia gây dựng với động lực chỉ là sở thích. Đa phần chỉ đợi chờ có phần mềm miễn phí tung ra là tải về sử dụng.

Ông Bùi Quang Minh, Giám đốc công ty Hà Nội Software, cho biết bản thân công ty này đã thiết lập một dự án giải pháp mạng mã nguồn mở VIEPortal. Nhưng đa số người tham gia chỉ đợi có cái gì để làm xong để tải về, chỉ một số rất ít tham gia vào phát triển. Sau một thời gian tồn tại không hiệu quả, VIEPortal phải đóng cửa. “Nếu không có cộng đồng, phần mềm nguồn mở không phát triển được”, ông Minh kết luận.

Hưng Hải

Theo VnExpress
  • 260