Chữa bệnh bằng máu cuống rốn

  •  
  • 1.237
Ghép máu cuống rốn để điều trị bệnh máu ác tính và di truyền là một phương pháp mới hiện đang được triển khai tại Bệnh viện (BV) Truyền máu và Huyết học TP.HCM.

GS.BS. Trần Văn Bé và cộng sự ở bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu lãnh vực này, tới nay đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn có giá trị.

Máu cuống rốn từ trẻ sơ sinh: Đạt yêu cầu chất lượng 

Xử lý máu cuống rốn trong phòng thí nghiệm ở BV Truền máu và Huyết học TP.HCM

Xử lý máu cuống rốn trong phòng thí nghiệm ở BV Truyền máu và Huyết học TP.HCM

Ông đã thành công trong việc chuẩn hóa các kỹ thuật thu thập máu cuống rốn từ sản phụ mới sinh ngay khi trẻ chào đời, xử lý máu cuống rốn để lưu trữ đông lạnh cũng như sau giải đông trước khi truyền cho bệnh nhân, sàng lọc máu của bà mẹ trước sinh và máu cuống rốn sau sinh về các bệnh lý lây nhiễm do virus, vi khuẩn…

Thành công này được giới khoa học đánh giá là bước ngoặt trong y học trị liệu bệnh ác tính và di truyền ở nước ta.

GS.BS. Trần Văn Bé cho biết: Máu cuống rốn được lấy trên tĩnh mạch cuống rốn của nhau thai ngay sau khi sinh. Đầu tiên cuống rốn được kẹp lại ở đầu tận cùng thai nhi trong vòng 15 giây sau khi sinh, sát trùng cuống rốn và dùng ống chích và kim để rút máu từ tĩnh mạch cuống rốn, cho vào túi có dung dịch chống đông, rồi bảo quản bằng dung dịch DMSO 10% ở nhiệt độ -196 độ C. Toàn bộ quy trình này phải hoàn toàn tuân thủ chế độ vô trùng.

Đơn vị máu cuống rốn sau khi lấy phải kiểm tra loại trừ các bệnh lây nhiễm như viêm gan siêu vi, giang mai, HIV, vi khuẩn..., thử HLA, các yếu tố tiềm ẩn của bệnh lý di truyền bẩm sinh.

Cái khó nhất trong nghiên cứu này là việc xử lý máu cuống rốn đạt tiêu chuẩn ghép, đặc biệt trong quá trình gạn lọc tế bào CD34+ (một yếu tố có giá trị trong máu cuống rốn nhằm giúp cơ thể người được ghép mọc tuỷ xương). Kết quả đạt yêu cầu là làm thế nào để lưu trữ đông lạnh máu cuống rốn trong nitơ lỏng và sau khi giải đông số lượng tế bào vẫn không hao hụt.

Kết quả cuối cùng cho thấy các loại tế bào đơn nhân CD34+ có số lượng tương đương với ngân hàng máu cuống rốn ở Tokyo (Nhật). Nghiên cứu ở BV Truyền máu và Huyết học TP.HCM cho thấy, tỉ lệ tế bào sau xử lý đạt 95,2% - một tỉ lệ được xem là rất cao.

Ghép máu cuống rốn cho người bệnh: Đã thành công...

Sản phẩm tế bào gốc tạo máu sau xử lý đã được ghép cho 5 bệnh nhân gồm 2 nam và 3 nữ từ 6 - 16 tuổi mắc các bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu cấp dòng lymphô và bệnh thalassemia. Sản phẩm được ghép bằng đường tĩnh mạch, tùy theo thể tích MCR mà thời gian ghép sẽ kéo dài từ 30 phút đến 4 giờ.

Các bệnh nhân sau ghép các mẫu máu cuống rốn được sản xuất tại TP.HCM có số ngày mọc tủy xương mọc tương đương với các mẫu MCR nhập từ ngân hàng Tokyo.

Ở TP.HCM, ngân hàng MCR đã được thành lập từ mấy năm qua, cho tới nay đã có trên 1.500 mẫu MCR đã xử lý đúng tiêu chuẩn và tồn trữ đông lạnh, và năm 2004 được Hiệp hội MCR châu Á công nhận là ngân hàng MCR đạt tiêu chuẩn ASIA CORD. Từ đây Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội quốc tế này. Hiện nay, Ngân hàng MCR TP.HCM đã bắt đầu tham gia hệ thống truy tìm và trao đổi với các ngân hàng của các nước châu Á.

Trở ngại lớn cho người ghép: 30.000 USD!

Trở ngại chính yếu của chương trình ghép MCR tại Việt Nam là giá thành còn rất cao so với thu nhập bình quân của người lao động (khoảng 30.000 USD). Trong tương lai nếu bảo hiểm y tế chi trả phí tổn thì nhiều bệnh nhân mới có cơ hội tiếp cận với loại kỹ thuật cao này.

Người cho MCR phải đạt các tiêu chuẩn như: Bà mẹ không mắc bệnh vàng da, viêm gan, viêm thận, bệnh tim mạch, tâm thần, di truyền bẩm sinh, các bệnh lý mãn tính, bệnh lý lây lan.

Huyết áp tối đa phải dưới 180 mmHg và tối thiểu dưới 100 mmHg, mạch 60 - 100 lần/phút, nhiệt độ dưới 380C, cân nặng trên 40 kg. Trẻ không bị dị tật, không mắc các bệnh lý di truyền bẩm sinh. Đồng thời, để tránh những rắc rối về sau, người mẹ phải làm giấy cam kết không khiếu nại và yêu cầu gì sau khi cho.

--------------------------------------------------
Đọc thêm:  Dân Thái dự trữ máu cuống rốn ở nước ngoài

Theo KHPT, VietNamNet
  • 1.237