Theo Đông y, cải bắp vị ngọt tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết, lợi tiểu, thanh phế, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, giải độc, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, bổ tỳ vị. Người táo bón, tiểu ít, không ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.
Cải bắp còn gọi là bắp cải. Tên khoa học Bras-sica oleracea L.var.capitala L. Thành phần hóa học trong 100g chứa: lipid 0,8g, chất xơ 1,7g, dẫn xuất phi protein 4,9g, khoáng toàn phần 2,4g.
Về mặt dinh dưỡng, trong 100g cải bắp cung cấp cho cơ thể 50calo, nhiều muối khoáng nhất là canxi, photpho, kali, sắt. Lượng vitamin C trong bắp cải chỉ thua cà chua, nhưng nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Trong bắp cải, vitamin C kết hợp sẵn với vitamin P thành phức hợp PC và vitamin C được vitamin P bảo vệ khỏi bị oxy hóa để cho giá trị sinh học cao hơn thuốc vitamin C.
Ăn bắp cải thường xuyên giúp ít bị ung thư đường tiêu hóa (Ảnh: TTO) |
Đối với bệnh loét dạ dày tá tràng: nước ép bắp cải giúp chóng làm lành vết loét, thành sẹo, nhất là loét dạ dày, ruột, loét miệng nối. Cách dùng: Mỗi sáng sớm và trước khi đi ngủ uống 1/2 cốc nước bắp cải ép.
Từ thập niên 40, các thầy thuốc Hoa Kỳ đã công nhận tác dụng chữa loét dạ dày của bắp cải và sau đó được kiểm chứng trên thực nghiệm. Kết quả cho thấy phần lớn người bị loét dạ dày hành tá tràng đã uống 1/2 lít nước bắp cải mỗi ngày trong 3 tuần.
Qua nội soi, các chuyên gia Ấn Độ đã chứng minh được sự hình thành một lớp màng nhày có 2 chức năng vừa che chở, vừa tái tạo niêm mạc dạ dày dưới tác dụng của bắp cải. Ngoài ra, họ đã xác định được một hoạt chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Hoạt chất này chỉ có trong bắp cải tươi và hàm lượng cao khi còn tươi xanh và thu hái vào mùa xuân hay mùa hè, hầu như mất tác dụng vào mùa đông...
Theo kinh nghiệm dân gian, tác dụng nước ép bắp cải sẽ được gia tăng gấp bội nếu dùng hòa chung với nước ép rau cần tây. Trong nhân dân thường muối dưa bắp cải với rau cần ta cũng là một kinh nghiệm tốt.
Tác dụng của bắp cải đối với bệnh ung thư: Một số công trình nghiên cứu của Viện đại học New York cho thấy ăn bắp cải thường xuyên giúp ít bị ung thư đường tiêu hóa.
Tất cả các loại cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, nhưng rõ rệt nhất được xác định là bắp cải. Nếu ăn 1 tuần 1 lần bắp cải giảm 70% xác suất bị ung thư ruột. Nếu 2 tuần 1 lần sẽ giảm được 40%.
Công trình nghiên cứu tác dụng chống ung thư của bắp cải do GS. Wattemberg ở Viện đại học Minnesota cũng cho thấy: Chiết xuất từ bắp cải được một nhóm hoạt chất là indol. Qua thực nghiệm trên súc vật cho thấy chất này làm giảm tỷ lệ ung thư vú chỉ còn 1,5 so với lô đối chứng. Liều rất thấp cũng có thể bảo vệ 1/2 so với súc vật thí nghiệm.