Chứng khó đọc ảnh hưởng lên những phần não bộ khác nhau của trẻ em phụ thuộc vào đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường nói tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Phát hiện này được đăng trên ấn bản trực tuyến của tờ Proceedings of the National Academy of Sciences, giúp các chuyên gia trị liệu cần phải sử dụng những biện pháp hỗ trợ khác nhau cho trẻ mắc chứng khó đọc ở những nền văn hóa khác nhau.
Theo tác giả chính của công trình Li-Hai Tan, giảng viên về ngôn ngữ học, khoa học não và nhận thức tại Đại học Hong Kong: “Phát hiện này thật đáng ngạc nhiên. Chúng tôi chưa từng nghĩ rằng não của những trẻ mắc chứng khó đọc sẽ khác nhau ở trẻ đọc tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Kết quả của chúng tôi đã đem lại những bằng chứng sinh học thần kinh gây ra chứng khó đọc.”
Hàng triệu trẻ em trên thế giới bị chứng khó đọc, một khuyết tật về khả năng ngôn ngữ bao gồm các vấn đề đọc, đánh vần, viết và phát âm từ. Hiệp hội chứng khó đọc thế giới cho biết vẫn chưa có sự nhất trí về con số chính xác vì không phải toàn bộ trẻ em đều được kiểm tra, nhưng con số ước lượng vào khoảng 8-15% số học sinh.
Đọc loại ngôn ngữ dựa trên chữ cái La-tinh như tiếng Anh đòi hỏi những kỹ năng khác với việc đọc tiếng Trung, ngôn ngữ ít đòi hỏi hơn về mặt biểu hiện qua âm mà dùng biểu tượng để hiển thị từ.
Một số công trình nghiên cứu trước cho rằng, não có thể sử dụng những mạng lưới nơ-ron khác nhau cho các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chưa công trình nào cho rằng có những cấu trúc não khác nhau cũng có liên quan.
Nhóm nghiên cứu của Tan đã kiểm tra não của những học sinh sống trong môi trường tiếng Trung bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Sau đó, so sánh kết quả này với não của những sinh viên sống trong môi trường tiếng Anh.
Guinevere F. Eden, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu học tại Đại học Georgetown ở Washington, cho biết quá trình trở thành người đọc có kỹ năng sẽ làm thay đổi bộ não. “Trở thành người mê đọc sách là một quá trình khá vất vả đối với não bộ.”
Đối với trẻ em, học đọc quan trọng về mặt văn hóa nhưng không phải là một tiến trình tự nhiên, vì vậy khi bộ não chuyển sang một hệ thống chữ viết khác, nó sẽ phải đối phó bằng cách khác. Ví dụ, trẻ em nói tiếng Anh học âm của các chữ cái và cách nối chúng lại thành từ, trong khi trẻ em Trung Quốc nhớ hàng trăm biểu tượng hiển thị từ.
“Ý nghĩa của điều này là khi chúng ta nghiên cứu hạn chế khả năng đọc, chúng ta phải đi vào những phần khác nhau của não tùy vào hệ thống chữ viết mà đứa trẻ học.” Điều đó có nghĩa là “chúng ta không thể giả định rằng bất cứ trẻ mắc chứng khó đọc nào cũng sẽ được hỗ trợ bằng cùng một biện pháp can thiệp.”
Tan cho biết, phát hiện mới kiến nghị việc chữa trị cho những người khó đọc sử dụng tiếng Trung có thể dùng các bài tập trí nhớ làm việc liên quan đến các kỹ năng sử dụng dây thần kinh vận động-cảm nhận, trong khi các phương pháp hiện tại dành cho người mắc chứng khó đọc tiếng Anh tập trung và chuyển đổi âm-chữ cái và nhận biết âm.
Ông cho rằng nguyên nhân gây ra các khiếm khuyết cấu trúc não bộ ở người khó đọc hiện vẫn chưa được giải đáp.
“Những công trình nghiên cứu gien trước đây cho rằng sự khiếm khuyết phát triển não có liên quan đến biến thể của một số gien và chứng khó đọc có nguồn gốc từ gien. Chúng tôi ước đoán có những gien khác nhau liên quan đến chứng khó đọc ở người đọc tiếng Anh và tiếng Trung. Về khía cạnh này, những phát hiện về sơ đồ não bộ có thể hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm các gien có khả năng gây chứng khó đọc”, Tan phát biểu.
Trong công trình của mình, các nhà nghiên cứu lưu ý việc nghiên cứu ảnh chụp não bộ của trẻ mắc chứng khó đọc sử dụng ngôn ngữ dùng ký tự La-tinh như tiếng Anh đã xác định được chức năng và cấu trúc bất thường ở vùng thái dương-đỉnh, được cho là liên quan đến sự chuyển đổi chữ-sang-âm trong quá trình đọc; vỏ não thuộc thái dương trung-thượng được cho là liên quan đến phân tích âm nói, và nếp cuộn hạ chẩm thái dương, có thể đóng vai trò là hệ thống nhận diện hình thái từ nhanh.
Tuy nhiên, khi họ tiến hành nghiên cứu chụp tương tự ở những trẻ khó đọc Trung Quốc, họ phát hiện sự bất thường ở một khu vực khác, vùng nếp cuộn trán trung bên trái.
Công trình nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Hội đồng cấp tài trợ nghiên cứu Hong Kong và Đại học Hong Kong tài trợ.
Trong một công trình nghiên cứu khác xuất bản cách đây 2 năm, các nhà khoa học thuộc Đại học Michigan đã trình bày rằng người châu Á và Bắc Mỹ có cách nhìn thế giới khác nhau. Khi được cho xem một tấm ảnh, những sinh viên Bắc Mỹ có nền tảng châu Âu chú ý nhiều vào vật thể ở chiều gần của cảnh, trong khi những sinh viên Trung Quốc dành nhiều thời gian nghiên cứu cảnh nền và quan sát toàn cảnh.