Thoạt nhìn, băn khoăn này có vẻ thật buồn cười. Nhưng đối với những người bị tê liệt hàm hoặc bị các tình trạng bệnh lý khác, việc không thể cười có thể gây ra các vấn đề về giao tiếp, lo lắng và trầm cảm. Nghiên cứu mới có thể giúp các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tái tạo khuôn mặt và phục hồi chức năng, hiểu được các đặc điểm tạo nên một nụ cười đẹp và tái tạo lại một cách chính xác.
Để bắt đầu, các nhà nghiên cứu nhờ một nghệ sĩ tạo ra 27 nụ cười khác nhau trên khuôn mặt hoạt hình máy tính. Nghệ sỹ đã tạo ra nhiều góc cạnh của nụ cười, chiều rộng, răng và độ cong của mép trên mỗi khuôn mặt. Sau đó, các tác giả đã yêu cầu 802 người tại Hội chợ bang Minnesota đánh giá từng nụ cười từ mức rất tệ đến rất tốt, về tính chân thực (giả với thật), độ vui vẻ dễ chịu (nhắn nhó đến dễ chịu) và cảm xúc được thể hiện (tức giận, Khinh thường, chán ghét, sợ hãi, hạnh phúc, buồn bã, hoặc bất ngờ).
Kết quả sơ bộ, nhóm nghiên cứu cho rằng, để có một nụ cười đẹp, hãy áp dụng chiến thuật "ít hơn là nhiều hơn" (less is more). Tuy nhiên, cần chú ý là độ mở to đôi mắt của người mẫu không bao giờ thay đổi, ngay cả khi nụ cười của anh ta lớn hơn, vì vậy, không có gì lạ khi những người đánh giá ghét vẻ ngoài của một nụ cười "thả phanh".
Thông thường, khi bạn cười lớn mắt bạn sẽ nheo lại, nhưng các tác giả nghiên cứu lại để mắt người mẫu của họ nguyên một kích cỡ vì kỹ thuật tái tạo khuôn mặt khá hạn chế khi phục hồi chuyển động quanh mắt. Điểm mấu chốt: Nếu bạn có thể kiểm soát toàn bộ cơ mặt, rất có thể nụ cười lớn, thoải mái, thả phanh của bạn vẫn rất quyến rũ.
Trong biểu đồ dưới đây, những nụ cười được đánh giá tốt nhất hiển thị bằng màu xanh lá cây, trong khi những nụ cười kém dễ chịu hơn là màu đỏ. Hóa ra có rất nhiều sự kết hợp để tạo nên một nụ cười đẹp. Và nghiên cứu nhấn mạnh rằng, không có con đường duy nhất nào đối với một nụ cười thành công. Dù vậy, vẫn có một vài bí quyết để có nụ cười đẹp.
Các bác sĩ phẫu thuật tái tạo có xu hướng nghĩ rằng lớn hơn là tốt hơn. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Trong nghiên cứu này, những nụ cười có độ rộng từ thấp đến trung bình có xu hướng được xếp hạng tốt hơn. Nụ cười lớn bị đánh giá là tệ nhất khi người đó vừa cười lớn, vừa hếch mặt cao lên và làm hở nhiều răng.
Những nụ cười với độ mở miệng vừa phải, khuôn mặt hơi hướng lên trên thường được yêu thích hơn, trong khi những nụ cười hình chữ V khiến mọi người cảm thấy... sợ.
Về việc nên hở bao nhiêu răng khi cười, chính các chuyên gia y tế cũng chưa thống nhất. Nghiên cứu này cho thấy những nụ cười mở miệng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn là dấu hiệu của sự sợ hãi hoặc khinh miệt. Những nụ cười hở nhiều răng đều bị đánh giá thấp. Tốt nhất là cười đừng hở răng, hoặc chỉ hở một chút thôi.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu, quan sát kỹ hình dạng, mức độ cân xứng của từng nụ cười, và họ phát hiện ra rằng nụ cười với một chút bất cân xứng thực sự lại là một điều tốt – có thể nó khiến mọi người cảm thấy nụ cười chân thật hơn. Nhưng nếu phần bên trái và bên phải của miệng không được "đồng bộ" trong vòng 125 mili giây, mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy kỳ lạ.
Một nụ cười lệch nhẹ trông sẽ rất đẹp, nhưng lệch quá nhiều, quá lâu thì trông thật... biến thái.
Theo trang Popsci, những nghiên cứu như thế này có thể giúp ích trong tâm lý học và đồ họa máy tính, ngoài việc tái tạo khuôn mặt. Các nhà nghiên cứu hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ xem xét nhiều biến số hơn bao gồm cả nếp nhăn mắt để có một bức tranh chính xác hơn về nụ cười hoàn hảo.