Chứng nhuyễn xương

  •  
  • 182

Nhuyễn xương xảy ra khi khung xương không thực hiện được quá trình canxi hóa (còn gọi là khoáng hóa) như bình thường. Còi xương ở trẻ em cũng là một biểu hiện của chứng này.

Ánh nắng mặt trời giúp tạo vitamin D

Ánh nắng mặt trời giúp tạo vitamin D
(Ảnh: ibiblio)

Mô xương được cấu tạo bởi một khối chất protein, ở đó lắng đọng muối canxi và phốt pho. Ở người bình thường, khoảng 10% diện tích của xương được đổi mới thường xuyên bởi hai quá trình tiêu xương và tạo xương.

Sự cân bằng giữa hai quá trình này phụ thuộc vào các yếu tố: hoóc môn tuyến cận giáp (giữ nồng độ canxi và phốt pho không đổi), vitamin D (huy động canxi ở xương và làm tăng nồng độ canxi huyết, tăng đào thải phốt pho qua nước tiểu, giảm phốt pho huyết) và hoocs môn tăng trưởng của tuyến yên (kiểm soát sự phát triển của xương về chiều dài và bề dày).

Thiếu vitamin D (do ăn uống, rối loạn hấp thu ở ruột hay rối loạn chuyển hóa), nhiễm toan do thận (suy thận), một số bệnh lý như suy tuyến cận giáp... là nguyên nhân gây ra chứng nhuyễn xương.

Nếu chỉ bị nhuyễn xương ở mức độ nhẹ, các triệu chứng lâm sàng rất nghèo nàn và thường bị bỏ qua như còi xương ở trẻ em. Ở mức độ nặng, người bệnh thấy đau xương, yếu cơ, đôi khi cột sống có vẻ như bị dồn lại, cong xuống, làm giảm chiều cao của người bệnh. Ở giai đoạn muộn, mức độ đau tăng lên, các động tác vận động trở nên khó khăn hơn. Có thể xuất hiện các rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, các cơ trở nên yếu, thậm chí liệt cơ do giảm kali huyết. Còi xương ở trẻ em sẽ làm cho trẻ có thể trạng thấp bé, gây ra nhiều thiệt thòi về hình thể và sức khỏe sau này.

Những trẻ có dấu hiệu như cơ thể chậm tăng trưởng so với trẻ cùng độ tuổi, ít tóc, hay đổ mồ hôi trộm, chậm mọc răng... cần phải đi khám ở các chuyên khoa về dinh dưỡng nhi. Ở đó, các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ còi xương ở trẻ và có những chỉ định điều chỉnh bằng ăn uống và thuốc nếu cần thiết.

Cách điều trị nhuyễn xương chủ yếu hiện nay là sử dụng vitamin D liều cao, đồng thời tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Chứng nhuyễn xương có diễn biến từ từ cho nên người bệnh hay chủ quan không đi kiểm tra, thường đến bệnh viện khi đã muộn, gây khó khăn cho công tác điều trị. Chính vì vậy, trẻ em cần đi khám dinh dưỡng thường xuyên, còn người lớn khi có những dấu hiệu đau xương, mỏi mệt cần phải đi bác sĩ.

Để phòng bệnh nhuyễn xương, nên uống sữa thường xuyên, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tắm nắng hằng ngày khoảng 30 phút lúc 7-8 giờ sáng sẽ tăng được đáng kể lượng vitamin D. Các phương pháp tập luyện sức khỏe cũng giúp cho cơ thể giảm nguy cơ mắc chứng bệnh này.

BS. Phạm Thanh Tình

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Tuổi trẻ
  • 182