Chúng ta đã biết déjà vu, nhưng có thể chưa biết jamais vu là gì?

  •   44
  • 716

Jamais vu được đánh giá là một hiện tượng trái ngược với déjà vu, nhưng xảy ra ít hơn trong môi trường tự nhiên.

Khi đột nhiên trải qua một tình huống mới, đột nhiên bạn có cảm giác rằng có thể bạn từng gặp tình huống này trong quá khứ và rất quen thuộc, đó được gọi là hiện tượng déjà vu.

 Jamais vu là hiện tượng chúng ta cảm thấy những thứ quen thuộc trở nên xa lạ.
Jamais vu là hiện tượng chúng ta cảm thấy những thứ quen thuộc trở nên xa lạ. (Ảnh: Freepik).

Theo nhà nghiên cứu Akira O'Connor tại Đại học St. Andrews (Scotland) và giáo sư Christopher Moulin tại Grenoble Alpes (Pháp), déjà vu thực chất là một "cửa sổ" giúp nhìn vào hoạt động của hệ thống trí nhớ.

Hai nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng hiện tượng này xuất hiện khi não bộ phát hiện sự quen thuộc không đồng bộ với thực tế. Theo đó, déjà vu chính là tín hiệu cảnh báo bạn về sự kỳ lạ này.

Jamais vu là gì?

Ngược lại với déjà vu là jamais vu. Hiện tượng này xảy ra khi một thứ bạn rất quen thuộc đột nhiên trở nên xa lạ hoặc không thực. Ví dụ, một người bạn mà bạn vốn quen thuộc trong nhiều năm đột nhiên khiến bạn có cảm giác rất xa lạ, theo Science Alert.

Jamais vu có thể phát sinh do sự gián đoạn trong quá trình nhận dạng của não bộ. Trong tình huống thông thường, thông tin mang tính cảm giác được đối chiếu với ký ức lưu trữ trong não nên giúp chúng ta thấy quen thuộc. Nhưng với jamais vu, quá trình đối chiếu này lại không xảy ra nên khiến chúng ta thấy những thứ quen thuộc trở nên kỳ lạ.

Các nhạc sĩ đôi khi cũng gặp tình huống này trong giây lát - khi họ nghe một đoạn nhạc rất quen thuộc nhưng lại rất hoang mang vì không nhớ ra tên. Hoặc chúng ta đã từng trải qua cảm giác này khi đến một nơi quen thuộc nhưng bị mất phương hướng, không biết đường đi.

Hai nhà nghiên cứu nói rằng jamais vu thậm chí còn gây khó chịu hơn déjà vu. Nhà nghiên cứu Akira O'Connor từng gặp cảm giác này khi lái xe trên đường cao tốc. Ông đã phải tấp xe vào lề để "khôi phục" cảm giác quen thuộc vì tự nhiên thấy bàn đạp và vô lăng rất lạ.

May mắn là trong tự nhiên, cảm giác này không phổ biến. Nhưng nếu đưa vào môi trường phòng thí nghiệm, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra jamais vu.

 Chúng ta có thể bị "mất phương hướng" nếu nhìn chằm chằm 1 hành động quá lâu
Chúng ta có thể bị "mất phương hướng" nếu nhìn chằm chằm hoặc lặp đi lặp lại một hành động quá lâu. (Ảnh: Pexels).

Để thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này, 2 nhà khoa học cho 94 sinh viên đại học viết đi viết lại cùng một từ. Các tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện điều này với 12 từ khác nhau, từ phổ biến như "door" cho đến ít phổ biến như "sward".

Trong quá trình này, 94 sinh viên được yêu cầu viết càng nhanh càng tốt, nhưng được phép dừng lại và nêu ra lý do dừng, ví dụ như cảm thấy kỳ lạ, buồn chán hoặc đau tay.

"Dừng lại vì mọi thứ bắt đầu trở nên kỳ lạ" là câu trả lời phổ biến nhất. Khoảng 70% sinh viên tham gia đã phải dừng lại ít nhất một lần vì thấy lạ - điều được định nghĩa là jamais vu.

Nhóm nghiên cứu thông tin thêm rằng hiện tượng này xảy ra sau khoảng một phút (khoảng 33 lần viết) và với những từ quen thuộc.

Trong thí nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu cho các tình nguyện viên viết đi viết lại từ "the" - từ rất phổ biến trong tiếng Anh. Lần này, 55% dừng viết với lý do tương tự sau khoảng 27 lần viết.

Mọi người mô tả cảm giác của bản thân như sau: "Từ này mất đi ý nghĩa khi tôi phải nhìn chúng quá nhiều", "Tay tôi mất kiểm soát", "Tôi cứ thấy không đúng, cảm giác như nó không còn là một từ có nghĩa nữa, giống như bị lừa vậy".

Jamais vu có vai trò gì?

Trước khi có thử nghiệm này, vào năm 1907, nhà tâm lý học Margaret Floy Washburn cũng từng thực hiện một thí nghiệm tương tự với sinh viên.

Theo đó, sinh viên của bà bị mất khả năng liên tưởng khi phải nhìn vào các từ trong vòng 3 phút. Khi đó, từ ngữ dần trở nên kỳ lạ, mất ý nghĩa và rời rạc theo thời gian.

Nhà nghiên cứu Akira O'Connor và giáo sư Christopher Moulin nhận định jamais vu là một tín hiệu cho bạn biết điều gì đó đã trở nên quá "tự động", quá trôi chảy và quá lặp đi lặp lại.

Nhờ đó, nó giúp chúng ta khôi phục hệ thống nhận thức, giúp nó trở nên linh hoạt hơn để dồn sự chú ý vào những thứ cần thiết, thay vì bị lạc vào những nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong thời gian quá lâu.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng jamais vu cũng có thể đóng vai trò liên quan việc nghiên cứu về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), cụ thể là nghiên cứu tác động của việc nhìn chằm chằm một cách cưỡng chế vào vật thể nào đó.

Giống như việc viết đi viết lại một từ bất kỳ, việc nhìn chằm chằm vào một vật thể cũng tác động đến một người nên jamais vu có thể giúp chúng ta hiểu và điều trị chứng OCD.

Cập nhật: 18/08/2024 Znews
  • 44
  • 716