Tìm hiểu thêm về hiện tượng mơ trước tương lai (déjà vu)

Déjà vu là gì?
  •   44
  • 9.423

Không ít người trải nghiệm cảm giác ngờ ngợ lạ lùng như đang sống lại giây phút nào đó mà mình từng trải qua. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là déjà vu.

Déjà vu là gì?

Trong một lần xem tivi cùng bạn bè, chàng sinh viên chuyên ngành tâm lý học Akira O’Connor đột nhiên trải qua cảm giác vô cùng kỳ quái. Anh mô tả: “Một vài giây ngắn ngủi trôi qua, tôi chợt nhận thấy những gì đang diễn ra trên màn hình tivi tạo cho mình cảm giác cực kỳ quen thuộc không thể lý giải nổi. Ngay lập tức, cảm giác đó không còn gói gọn trong màn ảnh nhỏ mà cả khung cảnh này, vị trí tôi đang ngồi đây, khoảng cách chính xác giữa tôi với mọi thứ xung quanh. Tất cả hệt như bản sao của khoảnh khắc nào đó mà không rõ bằng cách gì tôi nghĩ rằng mình từng trải qua”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trải nghiệm về cảm giác ngờ ngợ lạ lùng như đang sống lại một giây phút nào đó trong quá khứ mà các nhà khoa học gọi là déjà vu.

Thuật ngữ tiếng Pháp với nghĩa "từng nhìn thấy" trên được đặt cho hiện tượng đặc biệt mà không ít người từng trải qua, với khoảng 60-70% dân số thế giới cho biết đã gặp phải ít nhất một lần trong đời. Chẳng hạn khi bạn ghé thăm một nơi nào đó lần đầu tiên nhưng nhận thấy nó rất quen thuộc, hay trong lúc chuyện trò, thứ tự các câu nói, nội dung cuộc đối thoại và bối cảnh xung quanh khiến bạn có cảm giác mình từng một lần trò chuyện như thế…

Đó là cảm giác xuất hiện khi một sự việc nào đó diễn ra và bạn cảm thấy như thể đã trải qua rồi, nhưng không thể lý giải lúc nào, tại sao hay thậm chí chắc chắn rằng mình chưa trải qua lần nào.

Trước Déjà vu, hiện tượng này được gọi bằng nhiều thuật ngữ như déjà vécu - từng trải qua, déjà senti - từng nghĩ đến, déjà visitie - từng đi đến. Năm 1876, nhà khoa học người Pháp tiên phong trong nghiên cứu về hiện tượng này mới đặt cho nó tên gọi déjà vu.

Tìm hiểu thêm về hiện tượng mơ trước tương lai (déjà vu)
Khoảng 60-70% dân số thế giới đã trải qua cảm giác déjà vu trong đời. (Ảnh: cosmosmagazine.com).

Các nghiên cứu khoa học về déjà vu

Déjà vu là hiện tượng rất khó nghiên cứu vì cảm giác "quen thuộc khó hiểu" chỉ xảy ra bất chợt trong vài giây ngắn ngủi, không thể được dự đoán trước hay mô tả một cách rõ ràng. Song chính sự bí ẩn của hiện tượng này đã thu hút sự chú ý với rất nhiều giả thiết được đặt ra, từ thuần túy mê tín dị đoan, tâm linh hay lý giải khoa học do trục trặc trong quá trình ghi nhớ, các hoạt động phức tạp của tiềm thức…

Theo nghiên cứu năm 2003, déjà vu xảy ra ở cả hai giới với tỷ lệ xấp xỉ như nhau và không có sự khác biệt giữa các chủng tộc, nhưng phổ biến nhất trong độ tuổi 15-25. Tần số trải nghiệm hiện tượng này giảm dần theo sự gia tăng tuổi tác và dễ gặp hơn ở người thường nghiên cứu học thuật, đọc nhiều sách và đi du lịch nhiều nơi. Những người này được cho là có điều kiện phát triển trí tưởng tượng và khả năng ghi nhớ các giấc mơ cao hơn.

Nhiều chuyên gia tin rằng, cảm giác ngờ ngợ quen thuộc có thể liên quan tới chất truyền dẫn thần kinh dopamine, với mức độ cao hơn ở thiếu niên và vị thành niên. Giả thiết này có một chỗ đứng đặc biệt trong loạt nghiên cứu về déjà vu sau trường hợp khác thường của một nam giới 39 tuổi.

Người đàn ông này vốn là một bác sĩ được điều trị cúm bằng amantadine phenylpropanolamine, loại thuốc làm gia tăng hoạt động của dopamine trong não. Trong 24 giờ kể từ khi bắt đầu dùng thuốc, cảm giác déjà vu lặp đi lặp lại với cường độ cao được ghi nhận ở bác sĩ này. Nghiên cứu điển hình được công bố năm 2001 trên tập san Thần kinh học lâm sàng này còn cho biết, cảm giác déjà vu biến mất ngay sau khi người bệnh ngưng uống thuốc.

Déjà vu và chứng động kinh

Một cách tiếp cận khác nguyên nhân gây ra hiện tượng déjà vu đến từ nghiên cứu về chứng động kinh. Các nhà khoa học phát hiện một sự liên kết mạnh mẽ giữa cảm giác déjà vu với các cơn động kinh ở người động kinh thùy thái dương, thể gây ảnh hưởng tới vùng hồi hải mã (hippocampus), nơi đóng vai trò then chốt trong điều khiển trí nhớ ngắn hạn và dài hạn của não bộ.

Những bệnh nhân động kinh thùy thái dương “luôn trải qua hiện tượng déjà vu trước khi cơn động kinh khởi phát”, báo cáo về nghiên cứu đăng trên tập san y học Neuropsychologia năm 2012. Kết luận trên khiến nhiều chuyên gia đưa ra giả thiết rằng déjà vu, tương tự như cơn động kinh, có thể là kết quả của việc các tế bào thần kinh trong não truyền tín hiệu ngẫu nhiên và làm cho những người khỏe mạnh có cảm giác sai lầm rằng đây là ký ức quen thuộc.

Déjà vu và cấu trúc thần kinh

Trong một nghiên cứu khác mang tính đột phá, các nhà khoa học tại Cộng hòa Czech và Vương quốc Anh đã khám phá ra mối liên kết giữa hiện tượng déjà vu với các cấu trúc trong não bộ, củng cố thêm nguồn gốc thần kinh của hiện tượng này.

Báo cáo đăng trên Tập san Cortex cho biết, nhóm nghiên cứu nhận thấy các cấu trúc nhỏ trong thùy thái dương, nơi trí nhớ và hồi ức bắt nguồn, của người từng gặp phải hiện tượng déjà vu nhỏ hơn đáng kể so với người chưa từng có trải nghiệm. Càng nhiều lần trải qua déjà vu thì cấu trúc này càng nhỏ hơn và ngược lại.

"Khoảng 130 người khỏe mạnh được kiểm tra cấu trúc não bằng cộng hưởng từ và một phương pháp phân tích hình thái học của từng vùng não. Các kết quả được so sánh giữa người từng có cảm giác déjà vu và người chưa bao giờ gặp phải hiện tượng này", người đứng đầu nghiên cứu chuyên gia Milan Brazdil cho biết.

Theo ông, déjà vu có liên kết trực tiếp với chức năng của cơ cấu thần kinh và đây có thể là một "lỗi nhỏ trong hệ thống" do sự kích động cao của vùng hồi hải mã, là hiệu ứng của sự thay đổi trong vùng não nhạy cảm nhất và thường diễn ra khi hệ thần kinh đang trong thời kỳ phát triển.

Ngoài những nghiên cứu trên, déjà vu còn được lý giải bằng nhiều giả thiết khác nhau như thuyết phân chia nhận thức khiến những điều xung quanh đi vào tiềm thức một cách tự nhiên khi con người đang tập trung rồi bị sao nhãng, thuyết biểu tượng với lập luận bạn có khả năng tái tạo những hình ảnh từ những mảnh vụn ký ức trong quá khứ hay sự thất bại của trí nhớ trong việc cố gợi lại một trải nghiệm tương tự đã xảy ra trong quá khứ khiến nó không thể tìm được ký ức phù hợp để lý giải cho cảm giác ngờ ngợ đã trải qua… Song, giới khoa học vẫn cần rất nhiều thời gian để có thể giải mã một cách thỏa đáng hiện tượng lắm kỳ bí này.

6 ý nghĩa thực sự mỗi khi bạn cảm thấy "Deja vu"

1. Nó có nghĩa bạn vẫn còn trẻ

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trải nghiệm deja vu xuất hiện lần đầu tiên là ở trẻ em dưới 10 tuổi và trên 6 tuổi. Khi trưởng thành, tần suất deja vu xuất hiện sẽ nhiều hơn, mạnh nhất là ở độ tuổi 15 - 25. Sau đó, cảm giác này sẽ mất dần khi bạn già đi.

2. Não bộ của bạn vẫn đang hoạt động trơn tru

Não bộ của bạn vẫn đang hoạt động trơn tru

Vì cảm giác deja vu sẽ mất dần theo độ tuổi, nó khiến giới khoa học đặt ra giả thuyết: phải chăng điều đó là do ảnh hưởng từ não bộ? Trên thực tế, deja vu là dấu hiệu cho thấy não bộ của bạn đang hoạt động tốt, có thể phát hiện các tín hiệu bất thường.

3. Ký ức có thể chưa đồng bộ

Trong một bài viết trên tạp chí Healthline, các chuyên gia tin rằng deja vu có liên quan đến quá trình gợi nhớ ký ức của chúng ta. Nó xuất hiện khi ta bắt gặp phải một trải nghiệm tương tự trong quá khứ, nhưng không thể nhớ được. Nghĩa là, rất có thể ký ức ấy đã xảy ra quá lâu (từ khi còn nhỏ chẳng hạn), hoặc bạn không thể nhớ lại được vì một số tổn thương trong tâm lý.

Tồn tại một thực tế là chúng ta có xu hướng thu thập được nhiều chi tiết trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thường không nhớ được chúng. Deja vu lúc này đóng vai trò gợi mở ký ức, dựa trên các chi tiết mà bạn đã từng quên rất lâu.

4. Có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ

Có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ

Có khá nhiều dấu hiệu - cả về thể chất lẫn tinh thần - sẽ xuất hiện trước khi bạn bị đột quỵ, và một trong số đó là cảm giác deja vu. Điều này có tỉ lệ đúng rất cao với những người có tiền sử bị đột quỵ: cơ thể bạn sẽ tìm cách biến cảnh tượng xung quanh trở nên quen thuộc hơn để báo hiệu, dù bạn chưa ở đó bao giờ.

5. Bạn đã quá mệt mỏi

Khi mệt mỏi hoặc căng thẳng, bạn dễ có một cảm giác quen thuộc hơn bình thường. Nguyên nhân là vì khi bị stress, khả năng tập trung của chúng ta sẽ kém hơn.

Chẳng hạn như lúc cầu hôn, nếu bạn bị xao nhãng bởi tiếng ồn xung quanh, bạn có thể sẽ dừng lại vài giây rồi suy nghĩ. Đến khi tiếp tục, bạn sẽ bắt đầu chuyển sang trạng thái deja vu, giống như mọi chuyện đã từng xảy ra vậy.

6. Deja vu thường xuyên? Đó là dấu hiệu của sự lo âu

Deja vu thường xuyên? Đó là dấu hiệu của sự lo âu

Đã có một số trường hợp cảm nhận được deja vu do bị rối loạn lo âu, và nó khiến căn bệnh này trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này, và cần nhiều xét nghiệm hơn để đưa ra kết luận.

Cập nhật: 19/10/2020 Theo Vnexpress/Trí Thức Trẻ
  • 44
  • 9.423