Chuột nâu Úc là động vật có vú đầu tiên tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu

  •  
  • 502

Chính phủ Úc xác nhận sự tuyệt chủng đầu tiên của một loài động vật có vú là kết quả của sự biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Bộ trưởng Môi trường Úc Melissa Price ngày 20-2 tuyên bố rằng tình trạng của Bramble Cay melomys, một loài gặm nhấm bản địa sống ở cực bắc Bramble Cay của nước Úc, đã thay đổi từ "nguy cấp" sang "tuyệt chủng".

Chuột nâu Úc đã tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu
Chính phủ Úc tuyên bố sự tuyệt chủng của loài chuột nâu Bramble Cay melomys do hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra - (Ảnh: QUEENSLAND ENVIRONMENTAL PROTECTION AGENCY)

Tân Hoa xã cho biết quyết định tuyên bố tuyệt chủng đối với loài gặm nhấm này được đưa ra 3 năm sau khi chính quyền Queensland đi đến kết luận tương tự và 10 năm sau khi loài này được nhìn thấy lần cuối.

Giám đốc chính sách liên bang về Đời sống Hoang dã, ông Tim Beshara nói rằng kế hoạch 5 năm từ năm 2008 để cứu loài gặm nhấm đã không được xem xét lại cho đến khi loài này được công nhận đã tuyệt chủng.

Trong báo cáo của chính quyền Queensland có đoạn: "Đây là đại diện cho sự tuyệt chủng được ghi nhận đầu tiên về một loài có vú dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra".

Trước đó, bản kế hoạch "bảo tồn và khôi phục" số lượng cho loài chuột này năm 2008 có viết là "hậu quả của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng và sự tăng cường của các cơn bão nhiệt đới tác động đến sự tồn tại của loài Bramble Cay melomys".

Thượng nghị sĩ Janet Rice, chủ tịch ủy ban điều tra cuộc khủng hoảng tuyệt chủng tại Úc, cho biết: "Sự tuyệt chủng của loài Bramble Cay melomys nên là một thảm kịch quốc gia và sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ gần 500 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Úc là một câu hỏi lớn".

Cập nhật: 21/02/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 502