Trung Quốc chưa thể áp dụng công nghệ tái chế nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng với quy mô lớn, một chuyên gia cao cấp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm qua nhận định.
Một lò phản ứng tái sinh nhanh đang trong quá trình xây dựng tại Ấn Độ. Trung Quốc mới có lò
phản ứng tái sinh nhanh đầu tiên vào năm ngoái. (Ảnh: topnews.in)
Hồi đầu tháng 1, Tập đoàn Nguyên tử quốc gia Trung Quốc thông báo, họ vừa đạt được một “thành tựu đột phá” trong công nghệ tái chế nhiên liệu hạt nhân, tăng thời gian sử dụng nguồn uranium đã được thăm dò lên 60 lần, tương đương 3.000 năm.
Giới chuyên gia nói rằng, một số nước khác đã sở hữu công nghệ tái chế nhiên liệu hạt nhân, song họ không dám chắc về việc Trung Quốc có thể tái chế nhiên liệu với quy mô lớn, AFP đưa tin.
“Để tái chế nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng, Trung Quốc cần phải xây dựng một nhà máy rất lớn. Để tăng hiệu quả tái chế, người ta cần nhiều lò phản ứng tái sinh nhanh, trong khi Trung Quốc mới xây nhà phản ứng tái sinh nhanh đầu tiên vào năm ngoái”, Gary Dyck, người đứng đầu bộ phận Nhiên liệu và Tái chế hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nhận xét.
Dyck nói, Trung Quốc công bố thành tựu đột phá về hạt nhân trên đài truyền hình quốc gia từ hai tuần trước, nhưng chỉ cung cấp vài thông tin sơ sài về công nghệ. Ông nói,công nghệ thử nghiệm của Trung Quốc giống hệt công nghệ mà Nga, Pháp, Nhật Bản và nhiều nước khác đang áp dụng để tái chế nhiên liệu. Tuy nhiên, những nước này có khả năng tái chế nhiên liệu ở quy mô công nghiệp, còn Trung Quốc thì đang thử nghiệm.