Chuyên gia khuyến cáo nhóm đối tượng không nên tiêm vắc xin AstraZeneca

  •  
  • 3.079

Theo chuyên gia, để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng, tất cả các trường hợp đều phải được khám sàng lọc trước khi tiêm. Các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng mới được bác sĩ chỉ định tiêm.

Hiệu quả sau khi tiêm một mũi vắc xin AstraZeneca

Theo ThS. BS Nguyễn Hiền Minh – Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, một liều tiêu chuẩn của vắc xin AstraZeneca có tác dụng giảm 76% nguy cơ bệnh Covid-19 có triệu chứng trong 90 ngày đầu tiên và sự bảo vệ được duy trì cho đến liều tiêm thứ hai.

Đây là thông tin trích từ nghiên cứu đăng trên The Lancet tháng 3/2021 - một phân tích gộp những nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện tại Anh, Brazil và Nam Phi đánh giá hiệu lực vắc xin AstraZeneca sau một liều tiêm và tính sinh miễn dịch của vắc xin liên quan đến khoảng cách thời gian tối ưu giữa hai lần tiêm.

Đồng thời, nghiên cứu cũng báo cáo rằng một liều tiêm giúp giảm 100% những ca bệnh phải nhập viện.

Nghiên cứu cũng cho thấy, với khoảng cách giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin AstraZeneca tăng lên đến 82%.

Một lọ vắc xin AstraZeneca.
Một lọ vắc xin AstraZeneca.

Bác sĩ Hiền Minh cho biết 2 liều vắc xin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ là 60% với SARS-CoV-2 biến thể Delta (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) và 66% với SARS-CoV-2 biến thể Alpha (lần đầu tiên ghi nhận tại Anh).

1 liều vắc xin AstraZeneca có hiệu lực là 33% trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng liên quan đến biến thể Delta, và hiệu lực gần 50% với biến thể Alpha.

Đồng quan điểm với bác sĩ Hiền Minh, TS. BS Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, không có loại vắc xin nào có hiệu quả 100%, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy vắc xin AstraZeneca hiệu lực bảo vệ đến 75-85% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh Covid-19 có triệu chứng và đến 100% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh Covid-19 nặng hoặc nguy kịch và cần nhập viện.

Điều này có nghĩa là có rất ít người đã tiêm chủng bị nhiễm Covid-19 và nếu nhiễm thì chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình, vì vậy nguy cơ nhập viện và tử vong do nhiễm Coivd-19 gần như được loại trừ nếu được tiêm chủng đầy đủ.

Đồng thời, người đã tiêm chủng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có ít phần tử virus trong mũi và miệng hơn và có ít khả năng lây truyền cho người khác hơn. Việc giảm khả năng lây truyền này rất quan trọng vì tiêm chủng không chỉ bảo vệ cho bản thân mà còn hạn chế lây lan virus cho người thân, bạn bè và những người khác.

"Hiện nay chưa có khuyến cáo chính thức về việc tiêm mũi nhắc vắc xin AstraZeneca ngoài liệu trình tiêm vắc xin 2 mũi cơ bản. Và thời gian bảo vệ kéo dài của vắc xin AstraZeneca vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để xem xét có cần tiêm thêm mũi nhắc hay không", TS Huy Luân nói.

Nhóm đối tượng không nên tiêm vắc xin AstraZeneca

TS. BS Nguyễn Huy Luân cho hay, tương tự như tất cả các loại vắc xin khác, vắc xin Covid-19 có thể gây ra tác dụng phụ. Hầu hết tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca thường nhẹ và ngắn hạn, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và không phải ai cũng gặp phải (chiếm khoảng 10-20% số người được tiêm chủng), bao gồm:

  • Đau cánh tay ở vị trí tiêm.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Cảm thấy đau nhức cơ thể.
  • Bị sốt hoặc cảm thấy lạnh run.

Các triệu chứng có thể kéo dài 1 đến 3 ngày sau khi tiêm vắc xin. Tác dụng phụ có thể xảy ra sau liều tiêm đầu tiên và/hoặc liều thứ hai. Nếu bạn có những tác dụng phụ thông thường và nhẹ như trên sau liều vắc xin đầu tiên, bạn vẫn tiêm được liều vắc xin thứ hai.

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm.

Một số dấu hiệu nhận biết như: tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...

Diễn biến nặng lên của những triệu chứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm sốt cao >39 độ C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, thay đổi huyết áp.

Người từng có sốc phản vệ độ 2 với các tác nhân khác nhau không nên tiêm vắc xin AstraZeneca
Những trường hợp từng có sốc phản vệ độ 2 với các tác nhân khác nhau không nên tiêm vắc xin AstraZeneca.

BS. Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca chúng ta sẽ gặp phải một số phản ứng chính toàn thân: sốt, sưng đau vị trí tiêm, đau đầu, đau mỏi cơ, đau mỏi người, ớn lạnh, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn… các triệu chứng này sẽ kéo dài 1-2 ngày sau tiêm.

Một số triệu chứng nặng hơn như phản vệ, huyết khối đã ghi nhận trên thế giới (Việt Nam chưa ghi nhận phản ứng này). Tuy nhiên, các phản ứng phản vệ vẫn có thể xử lý được nếu như chúng ta phát hiện và xử lý sớm.

Với nguyên tắc "tiêm tới đâu – an toàn tới đó", tất cả các trường hợp trước khi tiêm đều phải được khám sàng lọc. Các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng mới được bác sĩ chỉ định tiêm. Đối với các trường hợp còn băn khoăn nếu thận trọng bác sĩ sẽ xếp vào nhóm hoãn tiêm chủng.

Theo bác sĩ Nga, các trường hợp chống chỉ định với vắc xin AstraZeneca là những trường hợp từng có sốc phản vệ độ 2 với các tác nhân khác nhau, dị ứng với thành phần của vắc xin (L-Histidine; L-Histidine hydrochloride monohydrate (cả hai axit amin); Magie clorua hexahydrate (hỗ trợ các hoạt động bên trong tế bào); Polysorbate 80 (một chất ổn định); Ethanol (rượu); Sucrose (đường); Natri clorua (muối); Disodium edetate dihydrate (EDTA, một chất liên kết); Nước để tiêm), còn các trường hợp khác đều có thể tiêm được vắc xin.

Đối với người đi tiêm, để đảm bảo an toàn, sau tiêm sẽ được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và chủ động nghe ngóng cơ thể, thông báo với nhân viên y tế khi có bất thường. Đối với các vắc xin thông thường sẽ được khuyến cáo theo dõi tại nhà 24 giờ sau tiêm. Nhưng đối với vắc xin AstraZeneca được khuyến cáo theo dõi tới 7 ngày sau tiêm.

"Khi về nhà gặp các triệu chứng phản ứng sau tiêm, người tiêm không dùng bất cứ loại thuốc gì, thay vào đó nên tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc", bác sĩ Nga nói.

Cập nhật: 07/08/2021 Theo doanhnghieptiepthi
  • 3.079