Chuyện về những đứa trẻ Kangaroo

  •  
  • 3.282

Cất tiếng khóc chào đời khó nhọc, những em bé Kangaroo (trẻ sơ sinh non tháng) lại đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Những sinh linh bé bỏng ấy lớn lên trong lồng ấp từng ngày cùng với niềm hy vọng của người mẹ.

Tại khoa sơ sinh non tháng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trẻ sơ sinh thiếu tháng có chế độ chăm sóc rất đặc biệt. Trẻ được đưa vào lồng ấp thở ôxy ngay khi vừa chào đời. Các bác sỹ theo dõi chặt chẽ hoạt động của hệ tuần hoàn não, đường hô hấp tiêu hóa, nhịp tim.

Thời gian đầu, các bé được cho ăn bằng đường xông vào dạ dày, sau đó mới tập ăn dần bằng bình, bú mẹ. Sau khi có thể tự thở không cần máy hỗ trợ ôxy, các bé được cho ra với mẹ để được chăm sóc vỗ về. Lúc này, nhịp tim, nhịp hô hấp, thân nhiệt của mẹ sẽ giúp bé bắt nhịp với cuộc sống bên ngoài lồng ấp.

Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, nguy cơ lây nhiễm trùng chéo của các trẻ rất cao, nên phải điều trị kháng sinh, sau điều trị trẻ có thể ăn bình thường, bú mẹ được. Người mẹ chủ động nuôi con tại nhà băng phương pháp Kangaroo kết hợp với môi trường ấm áp, sạch sẽ. Phương pháp này là luôn luôn giữ ấm cho trẻ bằng chính hơi ấm người mẹ hoặc người thân trong gia đình như ông, bà, bố... bế úp bé trước ngực, bụng liên tục trong những tháng đầu tiên vì trẻ thiếu tháng có thân nhiệt rất thấp ngay cả khi thời tiết nóng bức. Phương pháp chăm sóc này khoa học, hiệu quả mà đơn giản.

Các bé Kangaroo đang được nuôi trong lồng kính.
(Ảnh: Khoa Học & Đời Sống)

Nguy cơ sinh non ngày một tăng

Trung bình, mỗi ngày có khoảng 50 trẻ sơ sinh chào đời tại bệnh viện nhưng có ngày, khoa sơ sinh non tháng tiếp nhận tới 10 ca đẻ non. Trẻ sơ sinh thiếu tháng rất nhẹ cân, có bé chỉ nặng 900 gr.

Bác sỹ Phan Thị Huệ, trưởng khoa sơ sinh non tháng cho biết, nguyên nhân lớn nhất khiến số lượng sản phụ đẻ non ngày một nhiều là điều kiện không khí ô nhiễm. Môi trường làm việc hiện nay bị tác động ngược lại bởi chính công nghệ, máy móc con người sử dụng. "Các sản phụ sinh non thường là những người đang làm công việc trí óc căng thẳng, tiếp xúc nhiều với máy tính, hóa chất độc hại hay sơ suất bị ngã khi mang thai. Ngoài ra, có thể do bào thai có dị tật, bệnh lý không được phát hiện sớm", bà Huệ nói.

Trường hợp của chị Kim Anh, nhân viên ở Viện Kinh tế Bưu điện, Hà Nội là một ví dụ. Cô vừa sinh cậu con trai đầu lòng nặng 1,7 kg khi thai mới được 7,5 tháng. Ba tháng đầu tiên mang thai, Kim Anh đang làm luận án thạc sỹ, thường bị căng thẳng đầu óc, khi đi làm lại hay phải trèo cầu thang ở cơ quan. Cảm thấy bất ổn, sau đợt đó, chị quyết tâm nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để chờ sinh nhưng vẫn không tránh được sinh non. "Rất may là con tôi đã qua được những ngày nguy hiểm nhất. Giờ tôi mới biết sự chủ quan về sức khỏe khi sinh thật tai hại vô cùng", chị tâm sự.

Nuôi con Kangaroo, các bà mẹ cần nghị lực phi thường

Các bác sỹ, y tá ở khoa sơ sinh non tháng gọi các bé bằng mã số sinh, một số bà mẹ còn được gắn cho những biệt hiệu thân mật vì "vượt cạn" trong những hoàn cảnh đặc biệt. Người lúc nào cũng "gạ" các cô y tá trực cân xem con mình tăng được mấy hoa là mẹ của bé 12705, có biệt hiệu là "mẹ hạt tiêu" tên Trang ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Những ngày đầu, các cô y tá động viên mãi, chị mới dám bế con vì sợ làm rơi bé. Con chị lúc chào đời chỉ nặng 1,4 kg được đặt biệt danh là "tý hon". Tuy thiếu tháng, nhẹ cân nhưng "tý hon" tiến bộ rất nhanh. Sau hai tuần, bé đã tỉnh táo, bỏ ăn xông, tập bú bình. Mỗi lần đói ăn là "tý hon" quấy đạp, kêu khóc khiến tã quấn chặt vẫn bị tuột ra xộc xệch. Có lúc, bé háu ăn mút cả cửa kính và trán, mũi của cô bạn bên cạnh.

Cùng với bác sỹ, y tá, hộ lý, các bà mẹ ở khoa sơ sinh non tháng bền bỉ chăm sóc những đứa con bé xíu của mình. Ngoài các loại sữa đặc biệt do bệnh viện cung cấp, các bác sỹ khuyên họ nên cho trẻ ăn thêm sữa mẹ để có thể kháng thể tốt. Vì thế, các mẹ của bé Kangaroo rất tích cực vắt sữa và gửi vào nhờ ý tá cho con ăn. Đều đặn 3 tiếng một lần trong ngày, họ lại kè kè bên mình những túi nylông đựng dụng cụ vắt sữa để thực hiện "nhiệm vụ".

Mai Hương vừa vắt sữa và nhờ người chuyển vào cho con. Cô đứng bên ngoài cửa kính ngắm say sưa cậu con trai đỏ hỏn đang nằm thở ôxy và được chiếu đèn trị vàng da trong lồng ấp giữa phòng. Chùi nhanh giọt nước mắt lăn trên gò má, cô quay lại với nụ cười lạc quan: "Trông con em cởi trần, đóng khố ngộ chưa. Thiếu cây rìu nữa thôi là thành chàng Thạch Sanh đấy".

Theo Khoa Học & Đời Sống, VNE
  • 3.282