Độc đáo "công nghệ" xử lý nước thải bệnh viện bằng cây lau sậy

  •  
  • 3.498

Một hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không tốn nhiều chi phí đầu tư cũng như chi phí bảo dưỡng nhưng lại mang đến những hiệu quả không thua kém gì so với các hệ thống xử lý nước thải khác. Đó là những ưu điểm đặc biệt của mô hình xử lý nước thải bằng cây sậy - mô hình đang được áp dụng một cách hiệu quả tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước).

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long - Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, mô hình xử lý nước thải bằng cây sậy do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh là đơn vị chủ đầu tư và Bệnh viện Nhân Ái là đơn vị thụ hưởng được bắt đầu thực hiện từ năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư vào khoảng 4 tỷ đồng. Loại sậy dùng để xử lý nước thải cùng với tấm nhựa chống thấm bên dưới đều là mặt hàng được nhập từ Đức về.

Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã cho trồng thử nghiệm một loại sậy của Việt Nam và mặc dù bộ rễ không phát triển bằng giống sậy của Đức nhưng vẫn cho hiệu quả tương đương. Đây là mô hình mới được đánh giá là khá phù hợp với những khu vực có diện tích lớn và nhiều ưu điểm hơn hẳn so với hệ thống xử lý bằng màng lọc đang được ưa chuộng hiện nay.

Cây lau sậy phát triển khá tốt ở Bệnh viện Nhân Ái.
Cây lau sậy phát triển khá tốt ở Bệnh viện Nhân Ái.

Bệnh viện Nhân Ái là nơi chăm sóc và điều trị các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Ở đây thường xuyên có khoảng 200 bệnh nhân mỗi ngày với lượng nước thải ra tương đương với 100m³/ngày. Trước đây, nước thải được xử lý bằng một nhà máy có công suất nhỏ, thỉnh thoảng hay hỏng hóc và chất lượng đôi khi không đảm bảo.

Anh Võ Văn Dũng - Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Nhân Ái cho biết: "tính ưu việt của hệ thống xử lý nước thải bằng cây sậy có thể thấy rõ nhất là chi phí vận hành gần như bằng không, chất lượng nước tương đương xử lý bằng hệ thống màng lọc".

Với 8 luống sậy trên diện tích trên 100m²/luống tại bệnh viện nay hiện có công suất xử lý vào khoảng 150m³ nước thải/ngày. Nước thải sau khi được bơm vào các luống sậy sẽ hoàn toàn được xử lý bằng bộ rễ của cây sậy trong 5 ngày trước khi xả ra môi trường mà không thông qua bất kì hình thức xử lý hóa học nào khác. Hệ thống rễ cây sậy hút hết các chất bẩn nên ít mùi hôi và nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN mức I và quy chuẩn QCVN cột A.

Xử lý nước thải bệnh viện là một trong những khâu quan trọng trong chuỗi những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh được tác động xấu của chất thải y tế, nước thải bệnh viện đối với môi trường và cuộc sống con người. Do đó, tính hiệu quả của mô hình này sẽ mở ra nhiều hướng đi mới trong quy trình xử lý nước thải tại nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian gần nhất, mô hình này cũng sẽ được áp dụng để xử lý nước thải tại các trung tâm cai nghiện trên địa bàn huyện Bù Gia Mập.

Phương pháp dùng lau sậy xử lý nước thải do Giáo sư Kathe Seidel người Đức đưa ra từ những năm 60 của thế kỷ 20. Khi nghiên cứu khả năng phân huỷ các chất hữu cơ của cây cối, ông nhận thấy điểm mạnh của phương pháp này chính là tác dụng đồng thời giữa rễ, cây và các vi sinh vật tập trung quanh rễ. Trong đó, loại cây có nhiều ưu điểm nhất là lau sậy.

Không như các cây khác tiếp nhận ôxy không khí qua khe hở trong đất và rễ, lau sậy có một cơ cấu chuyển ôxy ở bên trong từ trên ngọn cho tới tận rễ. Quá trình này cũng diễn ra trong giai đoạn tạm ngừng sinh trưởng của cây. Như vậy, rễ và toàn bộ cây lau sậy có thể sống trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Ôxy được rễ thải vào khu vực xung quanh và được vi sinh vật sử dụng cho quá trình phân huỷ hoá học.

Việt Nam là đất nước nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, rất thích nghi cho sự phát triển của các loại lau sậy. Mặt khác ở các làng, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang cũng còn khá lớn. Do vậy, việc áp dụng phương pháp xử lý nước thải bằng lau sậy sẽ rất hiệu quả.

Cập nhật: 15/06/2016 Theo CAND
  • 3.498