Bão Ciaran - đang làm mưa làm gió theo đúng nghĩa đen ở một số nước châu Âu - đã được các cơ quan khí tượng gọi là “bão bom” hay “quả bom thời tiết”. Vậy những đặc điểm khác thường gì đã khiến cơn bão này được gọi như vậy?
Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) đã phải ra cảnh báo kép về cả mưa lớn lẫn gió mạnh khi nhiều vùng ở đây phải trải qua tình trạng thời tiết “tồi tệ nhất”. Đó là vì cơn bão Ciaran - được gọi là “quả bom thời tiết khổng lồ” - đang phô diễn sức mạnh của nó.
Nhà khí tượng Scott Duncan đã miêu tả bão Ciaran là “một cơn bão bom thực sự” và giải thích: “Nó là một cơn bão với gió mạnh điên cuồng. Và bão Ciaran, thật không may, lại đạt đến cường độ đỉnh điểm khi nó ập vào các bờ biển châu Âu”.
Đường phố ngập lụt ở Anh do bão Ciaran. (Ảnh: Sky News).
Vậy “bão bom” hay “bom thời tiết” là gì? Đây là những cụm từ chỉ một vùng áp thấp trong đó áp lực ở trung tâm giảm mạnh trong khoảng thời gian 24 giờ, theo trang Express. Điều này được gọi là sự hình thành xoáy thuận bùng nổ, hay ngắn gọn hơn là “bão bom” hoặc “bom thời tiết”.
Đây là một hiện tượng thời tiết hiếm gặp, và nhà khí tượng Alex Deakin giải thích thêm: “Để được gọi là một “quả bom thời tiết”, vùng áp thấp/ cơn bão đó phải thực sự mạnh lên và áp suất giảm sâu, và quá trình này phải xảy ra rất nhanh”. Tất cả những điều này lại hút không khí hội tụ từ các khu vực xung quanh vào, dẫn đến việc cột không khí xoáy ngày càng nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng việc các vận động viên trượt băng xoay nhanh hơn bằng cách thu cánh tay vào. Kết quả là gió trong cơn bão sẽ đạt sức mạnh đỉnh điểm, có thể giật đổ cây cối và tàn phá các công trình.
Ngập lụt ở Wales do bão Ciaran. (Ảnh: WalesOnline).
Tính đến sáng nay, 3/11, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong khi bão Ciaran “vùi dập” nhiều vùng ở phía Tây Bắc châu Âu với sức gió lên đến 200 km/h, theo trang The Guardian. Các trường học đã phải đóng cửa, các công ty hàng không và tàu hỏa tạm dừng dịch vụ, nhiều nhà cửa đã bị hư hại.