Con người biết ngủ từ khi nào?

  •  
  • 801

Dù ngày nay loài cá vẫn chưa thể nhắm mắt (đơn giản vì chúng không có mí mắt), những thay đổi trong não bộ và các hệ thống cơ bắp diễn ra y chang con người khi chúng ta chìm vào giấc ngủ.

Giới khoa học đã quan sát diễn biến tương tự ở động vật có vú, chim chóc và loài bò sát, nhưng đến khi phát hiện cá ngựa vằn cũng hành động tương tự, họ phát hiện được giấc ngủ có nguồn gốc vô cùng xa xưa, chứ không phải cơ chế mới tiến hóa trong các loài sinh vật thời gian gần đây.

Giấc ngủ có nguồn gốc vô cùng xa xưa.
Giấc ngủ có nguồn gốc vô cùng xa xưa.

“Nếu tổ tiên của các loài động vật có vú hiện đại xuất hiện cách đây 70 triệu năm, thủy tổ loài cá phải có mặt trên trái đất khoảng 450 - 500 triệu năm trước”, theo tác giả báo cáo Philippe Mourrain thuộc Đại học Stanford (Mỹ). Giống như người, cá thả lỏng cơ bắp, nhịp tim chậm lại và không phản ứng trước các kích thích bên ngoài trong lúc ngủ. Điểm khác biệt lớn nhất là cá không xuất hiện chuyển động mắt nhanh trong giai đoạn REM (giai đoạn vừa kết thúc pha ngủ sâu trong suốt giấc ngủ - NV) như chúng ta.

“Khi nhóm của chúng tôi phát hiện các cơ chế vận động của não bộ và cơ thể diễn ra một cách tương đồng ở cá ngựa vằn và con người, điều đó có nghĩa là các tín hiệu thần kinh và cơ bắp nhiều khả năng đã hiện diện ở tổ tiên chung của động vật cách đây hơn 450 triệu năm”, theo tờ The Independent dẫn lời tiến sĩ Mourrain.

Dù các nhà nghiên cứu đến nay vẫn chưa xác định được phải chăng tất cả loài động vật đều đi ngủ hay đơn giản là chỉ chợp mắt trong thời gian ngắn, tạm thời có thể kết luận rằng giấc ngủ là nhu cầu chung của mọi loài.

Giới chuyên gia cũng không rõ các mặt lợi ích mà giấc ngủ mang lại, hay nói đúng hơn lý do tại sao con người cần ngủ vẫn là một bí ẩn lớn. Thế nhưng, người nào không ngủ đủ sẽ mắc phải các tình trạng như mất trí nhớ tạm thời, năng lực phán đoán suy giảm, đồng thời nguy cơ mắc chứng béo phì và huyết áp cao gia tăng.

Cập nhật: 01/08/2019 Theo Thanh Niên
  • 801