Hải quân Mỹ vô tình phát hiện xác tàu Titanic trong khi thử nghiệm công nghệ sonar và tàu lặn mới, vốn dùng để tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân gặp sự cố.
73 năm sau khi Titanic chìm xuống đáy Bắc Đại Tây Dương, một đoàn thám hiểm của hải quân Mỹ và Pháp tìm được xác tàu, nằm cách đảo Newfoundland (Canada) ở Bắc Đại Tây Dương khoảng 650km về phía đông, ở độ sâu khoảng 3.700 m dưới mặt nước.
Nỗ lực xác định vị trí và trục vớt Titanic đã bắt đầu ngay sau khi tàu chìm vào năm 1912, nhưng không thành công do hạn chế về kỹ thuật và khu vực nghi ngờ ở Bắc Đại Tây Dương quá rộng lớn. Đến năm 1985, các nhà khoa học Pháp hợp tác với hải quân Mỹ mới tìm ra Titanic trong quá trình thử nghiệm hệ thống sonar, truyền âm thanh để phát hiện vật thể dưới đáy biển qua phản xạ, và tàu lặn không người lái.
Công nghệ được sử dụng trong cuộc tìm kiếm do Viện Hải dương học Woods Hole Mỹ (WHOI) và Viện Hải dương học Quốc gia Pháp (IFREMER) phát triển. Jean Louis Michel là nhà hải dương học dẫn đầu nhóm nghiên cứu Pháp rà soát đáy biển bằng hệ thống sonar có tên là System Acoustique Remorquè hay SAR, tiên tiến nhất tại thời điểm đó, tạo ra hình ảnh đáy biển đen trắng.
Trong khu vực nghi ngờ rộng 160km2, SAR đã loại trừ hơn 75%. Sau đó, nhóm IFREMER do Robert D. Ballard, nhà hải dương học và sĩ quan hải quân Mỹ, dẫn đầu dùng tàu lặn không người lái Argo và hệ thống quay phim tích hợp trên tàu để tìm các mảnh vỡ có thể đã phát tán từ xác Titanic.
Cửa sổ trên xác tàu Titanic được tàu lặn chụp lại. (Ảnh: Woods Hole Oceanographic Institution).
Argo lặn xuống gần đáy đại dương, gửi các hình ảnh ghi được về tàu nghiên cứu trên mặt biển. Sáng ngày 1/9/1985, tàu lặn không người lái tìm thấy một trong những nồi hơi khổng lồ của Titanic ở độ sâu hơn 3.700m, 650km về phía đông đảo Newfoundland và 1.150km về phía bắc cảng Halifax (Canada). Đây là một trong số 29 nồi hơi nặng 57 tấn của Titanic.
Ngày hôm sau, xác con tàu được phát hiện gần đó. Titanic đã bị tách làm đôi, nhưng nhiều đặc điểm và nội thất vẫn được bảo quản ở điều kiện tốt. Hàng trăm nghìn mảnh vụn nằm rải rác trong bán kính 3km2 xung quanh con tàu. Xác tàu sau đó đã được khám phá bằng tàu lặn có người lái và không người lái, làm sáng tỏ sự cố chìm tàu năm 1912. Titanic vẫn được khám phá thường xuyên và hàng nghìn cổ vật đã được phục hồi.
Theo The History Press, Ballard khi đó được hải quân Mỹ chỉ thị nghiêm ngặt là không được tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến mục đích thực sự của cuộc tìm kiếm. Tìm kiếm Titanic chỉ là vỏ bọc cho chiến dịch dùng công nghệ tàu lặn mới để tìm kiếm xác tàu ngầm hạt nhân của Mỹ thất lạc trong những năm 1960, tàu USS Scorpion và USS Thresher.
Argo, tàu tích hợp hệ thống camera truyền hình và sonar đã giúp tìm ra Titanic. (Ảnh: Woods Hole Oceanographic Institution).
Ballard đã gặp Hải quân vào năm 1982 để xin tài trợ cho công nghệ tàu lặn mà ông muốn phát triển để tìm Titanic, theo National Geographic. Ronald Thunman, khi đó là Phó chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân về chiến tranh tàu ngầm, nói với Ballard rằng quân đội quan tâm đến công nghệ này, nhưng với mục đích điều tra xác tàu USS Thresher và USS Scorpion. Thunman nói rằng nếu Ballard hoàn thành nhiệm vụ này và còn thời gian thì có thể tìm thêm thứ khác, nhưng không bao giờ nói rõ rằng cho phép Ballard tìm kiếm Titanic.
Thresher và Scorpion đã chìm ở Bắc Đại Tây Dương ở độ sâu từ 3.000-4.600 m. Ballard cho biết quân đội muốn biết số phận của các lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho các con tàu. Dữ liệu của Ballard cho thấy các lò phản ứng hạt nhân an toàn dưới đáy đại dương và không có tác động đến môi trường.
Đối với các tổ chức liên quan, tìm thấy Titanic đã chứng minh khả năng của các hệ thống camera và sonar mới. Tàu lặn không người lái Argo cũng được đánh giá là bước tiến lớn cho cộng đồng nghiên cứu đại dương Mỹ, nhưng bị lu mờ trước phát hiện tàn tích Titanic.