Theo nghiên cứu mới của Đại học Amsterdam (Hà Lan), vị thành niên là độ tuổi nói dối nhiều nhất, nhưng lứa tuổi 18-29 mới là giai đoạn nói dối thành công nhất. Trẻ 6-8 và người già trên 60 tuổi là nhóm thành thật nhất và có ít kỹ năng nói dối nhất.
Trong nghiên cứu trên, 1.005 người ở độ tuổi 6-77 được hỏi họ đã nói dối bao nhiêu lần trong 24 giờ qua. Kết quả, tần suất nói dối trung bình là 2 lần/ngày. Con số này tăng dần rồi đạt đỉnh vào giai đoạn thanh - thiếu niên với trung bình 2,8 lần/ngày, sau đó giảm dần.
Đối với tuổi thành niên, cha mẹ luôn phải đau đầu vì những lời nói dối của con cái. (Ảnh: Huffington Post).
Để biết nhóm tuổi nào nói dối thuyết phục nhất, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia trả lời những câu hỏi có/không, có cả những điều hiển nhiên như "lợn có biết bay không" và đo thời gian trả lời từng câu hỏi. Vì sao thời gian trả lời lại liên quan tới chuyện nói dối?
Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng muốn nói dối thành công, chúng ta phải có kỹ năng "đè nén" sự thật ngay lập tức và phải tính tới tình huống đang nói dối, nhưng không được phép lắp bắp hay dừng lại.
"Thường khi nói dối, mọi người xử lý chậm hơn và mắc nhiều lỗi hơn. Đây được coi là một chỉ số về độ khó của chuyện nói dối" - GS Bruno Verchuere, Đại học Amsterdam nói.
Độ tuổi thanh - thiếu niên có khả năng điều khiển tốt nhất, bởi đây là độ tuổi mà vỏ não trước trán hoạt động mạnh nhất. Các em nhỏ chưa hoàn thiện được khả năng đó bởi vỏ não trước trán chưa phát triển đầy đủ. Sau độ tuổi 25, phần não này sẽ hoạt động kém dần.