Một hóa thạch cá mập cổ đại từ kỷ Devon hé lộ thời điểm tổ tiên chung của loài quái vật biển khơi này và con người còn tồn tại.
Theo một báo cáo mới công bố của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Chicago (Mỹ), vào thời điểm 440 triệu năm trước, tổ tiên chung của con người và loài cá mập từng tồn tại trên Trái đất. Thời kỳ đó mang tên Silur, kéo dài từ 443 triệu đến 416 triệu năm trước, thời điểm mà các loại nấm và động vật chân đốt đầu tiên bắt đầu rời biển khơi lên mặt đất.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng bạn và cá mập thực sự có chung một thủy tổ ở kỷ Silur - (ảnh: LIVE SCIENCE).
Nghiên cứu trên tập trung vào việc phân tích một hóa thạch cá mập cổ đại Gladbachus adentatus 385 triệu năm tuổi, tức sinh sống vào thời kỷ Devon, sau kỷ Silur. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy con cá mập này đứng đầu một nhánh lớn trong cây gia phả của cá mập.
Đối chiếu với các kết quả nghiên cứu trước, các nhà khoa học tính ra rằng ít nhất đã 440 triệu năm trôi qua từ khi cá mập và con người còn chung một tổ tiên. Những vị thủy tổ này sau đó đã có sự tiến hóa đa dạng, họ nhà cá mập tách nhánh khỏi gia phả, hình thành một gia tộc thống trị biển khơi. Trong khi đó, một số người anh em cổ đại tìm lên bờ và có những bước tiến hóa riêng, trong đó có tổ tiên của loài người.
Hình ảnh cắt lớp bộ xương cá mập cổ đại - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Theo giáo sư Michael Coates, Khoa Giải phẫu sinh vật học, Đại học Chicago, tìm thấy hóa thạch này là một điều may mắn cho ngành cổ sinh vật học, bởi lẽ các con cá mập cổ đại trước đây thường được tìm thấy dưới dạng một mớ xương hỗn độn. Con cá mập dài 80 cm họ nghiên cứu có một bộ xương khớp tương đối hoàn chỉnh.
Nghiên cứu cũng phát hiện Gladbachus adentatus không phải không có răng như những suy nghĩ trước đây. Trái lại, nó có một số loại răng sơ khai và đủ gây nguy hiểm.