Kính thiên văn ALMA hé lộ chi tiết mới từ những quan sát đầu tiên về Mặt Trời, bao gồm vệt đen khổng lồ giống hệt con rùa đang bơi ngang bề mặt thiên thể.
Hình ảnh mới từ kính viễn vọng Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) ở Chile cho thấy một vệt đen hình con rùa trên Mặt Trời với kích thước lớn gấp đôi Trái Đất, Sun đưa tin.
Vệt đen hình con rùa trên Mặt Trời lớn gấp đôi Trái Đất. (Ảnh: NASA).
Dù ALMA được thiết kế để quan sát những vật thể mờ nhất trong vũ trụ xa xôi, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu sử dụng công cụ cực mạnh này để tìm hiểu Mặt Trời trong thời gian 30 tháng từ năm 2014. Khả năng của nó cho phép họ chụp hình bước sóng ánh sáng với độ chính xác lên đến hàng milimet phát ra từ sắc quyển của Mặt Trời, nằm ngay trên bề mặt có thể quan sát.
Ảnh vệt đen hình con rùa khổng lồ được chụp hôm 18/12/2015, sử dụng máy thu dải số 6 ở bước sóng 1,25 milimet.
"Chúng tôi đã quen với việc quan sát Mặt Trời dưới ánh sáng nhìn thấy, nhưng điều đó chỉ có thể cho chúng tôi biết nhiều về bề mặt đang hoạt động và khí quyển giàu năng lượng của ngôi sao gần nhất", Tim Bastian, nhà thiên văn học ở Đài quan sát Thiên văn Vô tuyến Quốc gia tại Charlottesville, Virginia, Mỹ, cho biết. "Để hiểu toàn diện về Mặt Trời, chúng ta cần nghiên cứu nó qua toàn bộ quang phổ điện từ, dựa trên quan sát chi tiết tới từng milimet của ALMA".
Vệt đen là một khu vực tạm thời tương đối lạnh trên bề mặt Mặt Trời nên sẫm màu hơn những khu vực xung quanh. Mặt Trời hoạt động theo chu kỳ 11 năm với số lượng vệt đen và bão lửa cao trong thời kỳ vận động mạnh, theo sau là thời kỳ yên tĩnh với ít vệt đen và bão lửa.