Theo các nhà nghiên cứu Anh, lỗ đen này có kích thước lớn gấp nhiều lần những lỗ đen các nhà khoa học từng biết.
Nghiên cứu mới đây của các nhà thiên văn học thuộc trường ĐH Keele và ĐH Central Lancashire (Anh) đã phát hiện một lỗ đen siêu khủng nằm ở khu vực trung tâm của một thiên hà có tên SAGE0536AGN.
Theo đó, lỗ đen này có kích thước lớn gấp nhiều lần những gì các nhà khoa học từng biết. So với Mặt trời, nó có khối lượng tương đương khoảng 350 triệu lần.
Nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia phát hiện, thiên hà SAGE0536AGN đã 9 tỷ năm tuổi, được phát hiện bởi kính viễn vọng Spiter của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Nhóm nghiên cứu khẳng định, sự tồn tại của lỗ đen ở trung tâm thiên hà thông qua việc đo tốc độ xoáy khí xung quanh nó. Sau đó, họ sử dụng một kính viễn vọng lớn ở miền Nam châu Phi để thu thập thêm thông tin, xác định kích thước lỗ đen.
Theo giới chuyên gia, các lỗ đen khổng lồ thường có xu hướng phát triển tương đương với kích thước của thiên hà quanh nó. Với kích thước khổng lồ này, rất có thể lỗ đen đã nuốt chửng khí và các vật chất xung quanh khác ở trung tâm thiên hà với một tốc độ đáng kinh ngạc.
Tiến sĩ Jacco van loon thuộc ĐH Keele - tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: "Các thiên hà có khối lượng lớn, kéo theo các lỗ đen trong lõi phải có khối lượng lớn. Tuy nhiên, lỗ đen này lại quá lớn cho sự hoạt động của thiên hà. Lẽ ra chúng không nên bất thường như vậy".
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhận thấy, lỗ đen "quái vật" này vô cùng sáng. Giới khoa học giải thích rằng, chính do lớp khí bao quanh có trường hấp dẫn rộng nên gia tốc lớn khiến lỗ đen phát ra ánh sáng. Hiện các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu rõ hơn về lỗ đen "quái vật" này.
Nghiên cứu được công bố trong báo cáo của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh.