Công bố nguyên nhân gây nên thảm kịch chìm tàu Titanic

  •   4,86
  • 48.392

Cách đây vừa tròn 100 năm, trong cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương vào tháng 4/1912, con tàu “không thể chìm” Titanic đã đi vào lịch sử ngành hàng hải vì vụ tai nạn đắm tàu kinh hoàng và nghiêm trọng nhất trong thời bình khiến 1.514 người tử nạn.

>>> Công bố bản đồ vùng đắm tàu Titanic đầu tiên

Suốt 1 thế kỷ qua, các nhà khoa học luôn tin rằng Titanic bị chìm là do đâm phải tảng băng trôi khổng lồ khi đang thực hiện chuyến đi từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ).

Tuy nhiên, đó chỉ là 1 trong 10 yếu tố góp phần gây ra tấn thảm kịch này. Và dưới đây là 9 nguyên nhân còn lại:

1. Khí hậu

Điều kiện thời tiết ở Bắc Đại Tây Dương đặc biệt thuận lợi cho sự xuất hiện của các núi băng trôi ở điểm giao nhau giữa dòng hải lưu Labrador và Gulf Stream, do vùng nước ở Gulf Stream ấm hơn bình thường, Tiến sĩ Richard Norris của Viện Hải Dương học Scripps (Mỹ) nói. “Kết quả là một lượng băng lớn (gồm những núi băng nhỏ, tảng băng trôi và băng biển) đã tập trung lại ở vị trí xảy ra va chạm”.

2. Những đợt thủy triều khiến các tảng băng trôi về phía Nam

Tháng trước, các nhà thiên văn học tại Đại học bang Texas ở San Marcos đã phát hiện ra mối liên kết đặc biệt giữa Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất gây nên hiện tượng thủy triều cao bất thường vào tháng 1/1912. Họ suy đoán rằng những khối băng hình thành trước hôm tàu gặp nạn đã chìm xuống vùng biển Labrador và khi thủy triều mạnh ập tới, những tảng băng lớn sẽ nổi lên trong vài tháng sau đó, đúng vào thời điểm tàu Titanic đi ngang qua.

3. Con tàu đã đi quá nhanh

Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, tàu Titanic đã chạy với vận tốc tối đa bất chấp sự xuất hiện của khối băng trôi. Và đây chính là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời vị thuyền trưởng cừ khôi Edward J. Smith.

4. Những cảnh báo băng trôi bị phớt lờ

Trước đó, tàu Titanic đã nhận được khá nhiều thông tin về sự xuất hiện của các núi băng ở khu vực Bắc Đại Tây Dương thông qua hệ thống ra-đi-ô, nhưng cảnh báo cuối cùng và quan trọng nhất lại không được người trực tổng đài Jack Phillips chuyển đến Smith. Thông tin được đưa ra từ tàu Ameraka nhưng Jack Phillips đã hạ thấp cảnh báo xuống mức “không khẩn cấp”.

5. Ống nhòm bị khóa

Việc chiếc ống nhòm trên tàu dùng để quan sát từ xa bị khóa cũng được cho là một trong những yếu tố gây ra thảm kịch chìm tàu Titanic. David Blair vốn được chỉ định là sĩ quan chỉ huy cao cấp thứ 2 trong chuyến vượt Đại Tây Dương đến New York của Titanic, tuy nhiên đến phút chót, ông bị chuyển sang một con tàu khác nhưng quên gửi lại chiếc chìa khóa mở ra nơi cất giữ ống nhòm.

Một số nhà sử học cho rằng nếu không có sự bất cẩn này thì người ta đã nhìn thấy tảng băng trôi sớm hơn và số phận của hơn 1.500 hành khách có thể sẽ khác.

6. Hướng rẽ sai lầm

Tại sao thủy thủ lái tàu lại hướng con tàu Titanic ngoặt sang phía có tảng băng trôi? Đó là câu hỏi mà Louise Patten (cháu gái một sĩ quan may mắn sống sót sau thảm họa đắm tàu Titanic năm 1912) đặt ra sau khi nghe toàn bộ câu chuyện được kể lại từ người ông của mình. Khi tảng băng trôi được phát hiện, vì quá hoảng sợ mà người lái tàu đã hiểu sai mệnh lệnh và lái sang bên phải thay vì quặt tàu sang bên trái tảng băng để tránh va chạm. Và dù người ta đã cố gắng thay đổi nhưng tất cả đều quá muộn, Patten nói.

Cô cũng suy đoán rằng, nếu chủ con tàu Titanic không cố tình ép thuyền trưởng phải tiếp tục cho tàu chạy mà ở yên đó thì nước biển đã không thể tràn vào các khoang tàu một cách nhanh chóng đến vậy và ít nhất nó sẽ chưa chìm cho tới khi tàu cứu hộ tới.

7. Cấu tạo động cơ làm giảm khả năng di chuyển của tàu

Ngay trước khi va chạm, sĩ quan William McMaster Murdoch đã ra lệnh đảo chiều động cơ để tránh núi băng. Nhưng phần chân vịt giữa chỉ có thể ngừng quay mà không thể đảo chiều. Hơn nữa, chân vịt giữa được đặt phía trước bánh lái tàu, càng làm giảm hiệu quả quay của bánh lái.

8. Đinh tán bằng sắt quá yếu

2 nhà luyện kim Tim Foecke và Jennifer Hooper McCarty đã hướng sự chú ý vào các vật liệu được sử dụng trong quá trình chế tạo tàu Titanic tại xưởng đóng tàu Belfast và thấy rằng các đinh tán gắn phần vỏ tàu Titanic không được tôi đầy đủ, khiến chúng giòn và dễ gãy khi xảy ra va chạm, khiến con tàu bị chìm nhanh hơn.

9. Số lượng thuyền cứu sinh quá ít

Có lẽ nguyên nhân đáng trách nhất gây nên bi kịch này là không có đủ số thuyền cứu sinh cho hơn 2.200 hành khách và thành viên phi hành đoàn tàu Titanic. Tổng số thuyền trên tàu chỉ có thể chứa khoảng 1.200 người. Tuy nhiên, một phần là luật thời ấy chỉ yêu cầu phải có tối thiểu 16 thuyền cứu sinh cho khoảng 1.060 người đối với những chiếc tàu trên 10.000 tấn.

Một nguyên nhân nữa làm gia tăng số người thiệt mạng là sự chần chừ của hành khách. Và vì thế, một số thuyền cứu sinh được hạ xuống với rất ít người.

Cập nhật: 12/07/2024 Theo Đất Việt
  • 4,86
  • 48.392