Kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có tầm vóc quốc tế, đã gây chấn động giới khảo cổ.
Chiều 29/9, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53, năm 2018.
Nhiều phát hiện về khảo cổ học được công bố như: kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; Phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc; những kết quả phân tích của chương trình hợp tác AND trong khảo cổ học giữa Việt Nam và Đan Mạch…
Rìu tay bằng đá được tìm thấy tại khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Trong đó, kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á, đã gây chấn động giới khảo cổ, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Tại các điểm khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều công cụ chặt, công cụ mũi nhọn tam diện, công cụ ghè một mặt, ghè đẽo hai mặt, rìu tay, nhiều mảnh thiên thạch...
Kết quả phân tích các mảnh thiên thạch có niên đại khoảng 800.000 năm. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Giang Hải, kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Giang Hải cho biết: "Thời gian tới Viện khảo cổ học sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà nghiên cứu khảo cổ Nga để phát huy giá trị khoa học của phát hiện về sơ kỳ Đồ đá cũ ở khu vực An Khê tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia UNESCO để phát triển khảo cổ dưới nước. Việc nghiên là nghiên cứu ADN trong khảo cổ học sẽ đem lại những giá trị to lớn để xác định nguồn gốc thực sự của những con người cổ từ đâu đến".