Nỗi oan ngàn năm của Hạng Vũ

  •   32
  • 6.183

Những phát hiện khảo cổ mới đây cho thấy, cung A Phòng, tòa cung điện huyền thoại của Trung Quốc chưa bao giờ bị đốt, thậm chí chưa bao giờ được xây dựng. Và từ hàng ngàn năm nay, người ta đã nghi oan cho Hạng Vũ…

Cung điện lớn nhất thế giới?

Cung A Phòng được xây dựng vào năm Thủy Hoàng thứ 35, tức năm 212 sau Công Nguyên tại khu lâm uyển (khu rừng dành riêng cho vua chúa đi săn) nằm ở bờ nam sông Vị Hà. Vị trí của cung A Phòng, theo phỏng đoán, nằm ở vị trí cách trung tâm thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc 30km về phía tây, đối diện với kinh đô Hàm Dương của nhà Tân qua sông Vị Hà.

Cung A Phòng là từng là cung điện lớn nhất thế giới?
Cung A Phòng là từng là cung điện lớn nhất thế giới?

Công trình cung A Phòng vô cùng quy mô, khi Tần Thủy Hoàng còn sống chỉ xây xong một tòa tiền điện (phần cung điện phía trước). Sách “Sử ký” phần “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” có chép, chỉ riêng phần tiền điện này của cung A Phòng đã có diện tích vô cùng lớn: “Chiều từ đông sang tây của phần điện phía trước cung A Phòng dài 500 bộ (hơn 800 mét), chiều nam bắc dài 50 trượng (hơn 150 mét), phía trên có thể ngồi được hàng chục ngàn người, phía dưới có thể dựng được cột cờ 5 trượng”.

Tính theo các đơn vị đo lường ngày nay thì diện tích của cung A Phòng vào khoảng 80 ngàn mét vuông, có thể chứa hàng chục ngàn người. Ngoài ra, theo những mô tả khác thì cung A Phòng có tới hơn 70 cung thất lớn nhỏ khác nhau, trong một ngày mà thời tiết ở các cung thất, điện đài không nơi nào giống với nơi nào. Nếu theo mô tả này thì cung A Phòng là cung điện lớn nhất trong lịch sử kiến trúc thế giới. Tuy nhiên, tòa cung điện nguy nga tráng lệ này sau đó đã bị thiêu rụi.

Nỗi oan của Hạng Vũ

Lâu nay, các sử gia đều cho rằng, người đốt rụi cung A Phòng chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Bằng chứng cho kết luận này chính là những ghi chép trong sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên, cuốn cổ sử nổi tiếng của Trung Quốc. Trong phần “Hạng Vũ bản kỷ” của sách này chép: “(Hạng Vũ) tàn sát Hàm Dương, giết Tần Vương Tử Anh, đốt sạch cung điện nhà Tần, lửa cháy ba tháng không tắt…”. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ gần đây lại chứng minh rằng, Hạng Vũ bị oan.

Theo Xinhuanet, vào năm 2002, các chuyên gia Trung Quốc đã thành lập đội khảo cổ cung A Phòng với mong muốn tìm được những dấu vết còn sót lại của tòa cung điện huyền thoại đã bị lửa đốt rụi. Tuy nhiên, kết quả khai quật nằm ngoài dự liệu. Người ta hoàn toàn không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của việc bị đốt cháy tại di chỉ lâu nay vốn được cho là của cung A Phòng. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Hán xuất hiện tại di chỉ này, điều này chứng tỏ, cung A Phòng còn tồn tại tới thời nhà Hán và người thời Hán đã dùng những mảnh ngói này để tu sửa cung điện?

Sở Bá Vương Hạng Vũ trong một tác phẩm điện ảnh đương đại.
Sở Bá Vương Hạng Vũ trong một tác phẩm điện ảnh đương đại.

Từ đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã kết luận: Cung A Phòng chưa hề bị đốt, và lâu nay người ta đã đổ oan cho Hạng Vũ.

Khi kết luận này được công bố đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, rất có thể trải qua hai ngàn năm bị vùi lấp, những dấu vết của vụ cháy đã gần như biến mất. Hoặc cũng có thể các nhà khảo cổ đã khai quật sai địa điểm (?!).

Đội khảo cổ cung A Phòng thì không cho rằng như vậy. Theo họ, một cung điện khác là cung Trường Lạc, được xây dựng vào thời nhà Hán, về niên đại cách thời gian xây dựng cung A Phòng không xa và cũng bị đốt cháy. Tuy nhiên, dấu vết vụ cháy để lại tại di tích của cung Trường Lạc rất rõ ràng chứ không giống như ở di chỉ của A  Phòng.

Về vị trí khai quật, đội khảo cổ này cho rằng, địa điểm mà họ khai quật không thể sai vì nó được ghi trong rất nhiều tài liệu. Trước nay, các chuyên gia lịch sử uy tín nhất ở Trung Quốc đều cho rằng đó chính là vị trí xây dựng cung A Phòng.

Ngoài ra các nhà khảo cổ này cũng cho rằng, lâu nay căn cứ duy nhất để khẳng định Hạng Vũ đã đốt cung A Phòng chính là những ghi chép của “Sử ký”. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, Tư Mã Thiên chỉ nói, Hạng Vũ tiến vào Hàm Dương và “đốt cung điện nhà Tần” chứ không nói Hạng Vũ đốt cung A Phòng. Hơn nữa, cũng theo ghi chép của “Sử ký” thì cung A Phòng được xây dựng ở bên ngoài chứ không phải bên trong của Hàm Dương.

Các nhà khảo cổ còn đặt ra nghi vấn rằng, có thể cung A Phòng mới chỉ nằm trên kế hoạch chứ chưa bao giờ được xây dựng. Bởi lẽ, với quy mô được mô tả như trong sử sách thì cung A Phòng chỉ có thể là một cung điện “trong mơ” chứ không thể hoàn thành được với trình độ lao động sản xuất thời bấy giờ. Ngoài ra, từ thời Tần Thủy Hoàng cho tới Tần Nhị Thế và Tần Vương Tử Anh, toàn bộ các hoạt động của triều Tần đều diễn ra tại cung Hàm Dương hoặc Vọng Di cung. Sử sách chưa bao giờ có ghi chép bất cứ hoạt động nào của triều Tần diễn ra ở cung A Phòng.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi, song nếu như những phỏng đoán của các nhà khảo cổ là chính xác thì có lẽ hàng ngàn năm nay, người ta đã thực sự nghi oan cho Hạng Vũ.

Theo Vietnamnet
  • 32
  • 6.183