Chiếc quần jeans cũ hoàn toàn có thể biến thành một chiếc váy mới nhờ công nghệ tái chế vải thân thiện với môi trường của các nhà nghiên cứu Thụy Điển.
Nhu cầu về vải tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng thêm 3% mỗi năm, đẩy thế giới đến tình trạng thiếu hụt tới 5 triệu tấn vải vào năm 2020.
Tại Thụy Điển, lượng vải được tiêu thụ cũng đã tăng 40% trong 15 năm qua, với mức bình quân 130.000 tấn mỗi năm.
Trước thực trạng này, phương pháp tái chế vải cũ thành một loại bột để sản xuất ra sợi vải mới của công ty công nghệ Re:newcell được xem như bước đột phá. Đây không chỉ là cách bù đắp nguồn vải thiếu hụt nhanh chóng với chi phí thấp mà đặc biệt còn giảm thiểu những chất thải có hại tới môi trường và tiết kiệm một lượng lớn năng lượng.
Re:newcell tái chế vải cũ thành bột và làm ra sợi vải mới. (Ảnh: Anh Ngọc).
Re:newcell do một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Hoàng gia KTH và một công ty đầu tư công nghệ nhỏ phối hợp thành lập vào năm 2012.
Ông Henrik Norlin, đại diện Re:newcell, cho hay trong 3 năm qua, tại phòng thí nghiệm nhỏ nằm ở ngoại ô thủ đô Stockholm, nhóm chuyên gia của công ty đã nghiên cứu và thử nghiệm việc tái chế vải bông (cotton) và các loại sợi vải có chứa tỷ lệ cellulose cao khác thành bột.
Việc sản xuất vải thông thường tạo ra nhiều tác động có hại cho môi trường. Ví dụ, để có đủ lượng vải bông chéo cho một chiếc quần jeans, nhà sản xuất cần tới 8.000 lít nước, do cây bông thường được trồng ở các nước khô cằn và đòi hỏi một lượng nước tưới lớn.
Những loại sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ như polyester có ưu điểm vượt trội như chống nước, chống mốc... nhưng chúng cũng dẫn đến một lượng khí nhà kính lớn do được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Chiếc váy được sản xuất từ sợi vải tái chế của Re:newcell. (Ảnh: Re:newcell).
Tuy nhiên, "cách thức "hô biến'"các quần áo cũ thành loại bột hòa tan làm nguyên liệu thô cho việc sản xuất vải vừa không cần đến bất kỳ hóa chất độc hại nào vừa giảm thiểu chất thải ra môi trường", ông Henrik cho biết.
Cứ một kg vải được tái chế sẽ giúp giảm được 3,6kg CO2, tiết kiệm được 6.000 lít nước, 0,3kg hóa chất phân bón và 0,2kg thuốc trừ sâu so với việc sản xuất vải từ đầu.
Chưa kể đến công nghệ này còn mang lại những lợi ích kinh tế như giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tiết kiệm đất cho sản xuất lương thực.
Sản phẩm bột của Re:newcell được sản xuất từ vải cũ nên chi phí không đáng kể nhưng lại cho chất lượng cao.
Theo ông Henrik, các thử nghiệm trên sợi vải được làm ra từ loại bột này cho thấy độ bền không kém gì các loại vải được sản xuất theo cách thức thông thường.
Đây là nguyên liệu để sản xuất ra loại vải như visco hay lyocell phục vụ ngành dệt may. Ngoài ra, nó còn được dùng để sản xuất các sản phẩm như áo y tế, bỉm hay miếng bọt biển.
Sản phẩm vải hoàn chỉnh đầu tiên của Re:newcell là một chiếc váy vàng cổ đổ, kiểu dáng thanh lịch. Váy được làm từ quần jeans cũ.
Ông Henrik giới thiệu chiếc áo phông được làm bằng 100% sợi vải tái chế từ quần jeans. (Ảnh: Anh Ngọc).
Hồi tháng 6, trong luận văn tốt nghiệp của mình, hai sinh viên thuộc ngành Dệt may, đại học Boras, cũng tạo ra một chiếc áo phông trắng từ 100% sợi vải tái chế của Re:newcell. Chiếc áo này trước đó từng là một chiếc quần jeans màu xanh.
Các thử nghiệm của họ đã chứng minh nó có khả năng thấm hút màu nhuộm tốt, dai bền cả trong điều kiện khô và ướt, cũng như chịu được độ mài mòn cao.
Ông Henrik cho biết hiện Re:newcell đang sản xuất các lô hàng mẫu. Việc sản xuất bột tái chế chính thức sẽ bắt đầu vào năm 2017 với sản lượng khoảng 3.000 tấn một năm.
"Chúng tôi dự kiến sớm tăng sản lượng lên 7.000 tấn và sau đó là hàng chục nghìn tấn trong vòng vài năm tới", ông nói.