Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của con người cũng sẽ gia tăng đáng kể, nhưng vẫn có một giải pháp có thể giúp cung cấp đủ nước sạch cho thế giới và đồng thời giúp giảm khí thải CO2. Giải pháp đó là khử mặn bằng năng lượng nguyên tử.
|
Mực nước ở hồ Mead – nguồn cung cấp nước sạch cho 22 triệu người Mỹ, đang ngày càng sụt giảm. Ảnh: Telegraph |
Rất nhiều vùng trên thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sạch. Không chỉ các quốc gia đang phát triển mà ngay cả những nước phát triển như Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng này. Cuộc khủng hoảng nước ở các vùng miền tây của Mỹ đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Las Vegas có thể trở thành một trong những thành phố đầu tiên của Mỹ phải đối mặt với khủng hoảng thiếu nước sạch. 90% nguồn nước cung cấp cho thành phố này được lấy từ hồ Mead. Nhưng hiện tại mực nước ở hồ Mead và sông Colorado – nguồn cung cấp nước chính cho hồ Mead, đang bị sụt giảm, đặc biệt là vào mùa khô. Viện Hải dương học Scripps của Mỹ tin rằng mực nước của hồ Mead sẽ giảm 50% vào năm 2021 nếu biến đổi khí hậu vẫn diễn ra như hiện nay và tình trạng lãng phí nước sạch không được ngăn chặn.
Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thế giới. Khi dân số ngày càng gia tăng và theo đó nhu cầu về nước sạch cũng tăng. Điều này sẽ làm gia tăng các cuộc xung đột trên thế giới trong tương lai. Theo Hội đồng thế giới về nước (WWC), hiện có 260 dòng sông trên thế giới được chia sẻ bởi hơn 2 quốc gia.
WWC chỉ ra một số khu vực có thể xảy ra các cuộc xung đột như kênh đào Parana ở Nam Mỹ, Biển Ả rập và sông Danube. Những căng thẳng về nước sạch không chỉ diễn ra giữa các quốc gia mà có thể diễn ra giữa các vùng trên một quốc gia.
Hôm 3/12 vừa qua tại Ấn Độ, một người đàn ông đã bị tử vong và hàng chục người khác bị thương trong một vụ biểu tình chống lại việc điều phối lại nguồn nước ở vùng Mumbai. Điều này chứng minh rằng các cuộc xung đột tranh giành nguồn nước đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, năng lượng nguyên tử có thể là một giải pháp hiệu quả giúp thế giới giải quyết vấn đề nguy hiểm này.
Các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông đang rất chú trọng phát triển các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN). Ông Anwar Gargash, Bộ trưởng Ngoại giao của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), cho biết rằng các nhà máy ĐHN là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của quốc gia này. Ước tính nhu cầu sử dụng điện của UAE sẽ tăng gấp 2 vào năm 2020.
Ả rập Xê út cũng đã lên kế hoạch tăng sản lượng điện từ năng lượng hạt nhân chiếm ¼ sản lượng điện của nước này trong vòng 15 năm tới. Ả rập Xê út có nguồn nước sạch khá khan hiếm và dường như hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự gia tăng dân số đang khiến tình trạng thiếu nước sạch trở nên trầm trọng hơn.
Do vậy các nhà máy ĐHN sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các quốc gia vùng vịnh giải quyết vấn đề khó khăn này vì trong các nhà máy điện này, nhiệt lượng phát ra từ các lò phản ứng hạt nhân có thể được sử dụng để sản xuất điện và chúng cũng có thể được sử dụng để khử muối trong nước.
Khử muối bằng năng lượng nguyên tử là một công nghệ mới đã được chứng minh ở Kazakhstan. Quốc gia này đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ ở vùng Aktau và trong thời gian từ năm 1972 đến năm 1999, lò này đã sản xuất được 135 megawatts điện và 80.000m3 nước/ngày. Ngoài ra, công nghệ khử muối bằng năng lượng nguyên tử cũng đã được áp dụng ở Ấn Độ và Nhật Bản.