Thiết bị thay thế giác quan (SSDs) cung cấp thông tin về hình ảnh cho người khiếm thị qua một máy ghi hình siêu nhỏ được nối với một máy vi tính (hoặc điện thoại thông minh) và một bộ tai nghe stereo.
Hình ảnh được máy ghi hình thu lại được chuyển thành “không gian âm thanh” bằng cách sử dụng hệ thuật giải đặc biệt cho phép người sử dụng thiết bị nghe hiểu được thông tin hình ảnh đến từ máy ghi hình.
Để sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả, người mù phải trải qua một đợt tập huấn. Sau 70 giờ được tập huấn tại phòng thí nghiệm của giáo sư Amir Amedi tại Đại học Hebrew Jerusalem, nhóm người mù tham gia thí nghiệm có thể phân biệt được hình ảnh về khuôn mặt, dáng người, nhà cửa, vải vóc…
Họ cũng có thể nhận biết diễn biến phức tạp hơn như xác định vị trí và những biểu hiện trên khuôn mặt người nào đó, thậm chí đọc được chữ viết.
Hình minh họa từ Science Daily
Nhóm nghiên cứu đồng thời ghi nhận hình ảnh diễn biến ở não của những người tham gia khảo sát bằng phương pháp cộng hưởng từ chức năng (fMRI).
Giáo sư Amedi nói rằng thí nghiệm trên cho thấy não ở những người mù có thể được đánh thức để xử lý thông tin hình ảnh và hoạt động tích cực hơn nếu nghiên cứu này được ứng dụng.
Ông cho rằng não của người trưởng thành linh hoạt hơn chúng ta nghĩ, nhiều khu vực ở não không chỉ dành cho giác quan riêng biệt nào đó nhưng có sự cộng tác và tính toán theo những phương thức khác nhau để có hiệu quả cao nhất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuron.