Trong tương lai, chiếc máy tính có kích thước nhỏ hơn ngày nay rất nhiều có thể được tạo thành từ vi khuẩn ăn sắt.
Theo nhóm nghiên cứu ở ĐH Leeds (Anh) và ĐH Nông nghiệp và kỹ thuật Tokyo (Nhật Bản), khi tiêu hóa sắt, vi khuẩn ăn sắt tạo ra những nam châm tí xíu trong cơ thể chúng, tương tự như trong ổ cứng của PC. Vì thế, vi khuẩn ăn sắt có thể giúp tạo ra những ổ cứng chạy nhanh hơn.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Small, khi công nghệ phát triển và các linh kiện máy tính trở nên ngày càng nhỏ hơn, việc sản xuất các linh kiện điện tử với quy mô nano ngày càng khó hơn.
Vì thế, các nhà khoa học giờ đây bắt chước thiên nhiên bằng cách sử dụng vi khuẩn.
Nhóm nghiên cứu sử dụng vi khuẩn Magnetospirilllum magneticum - những vi sinh vật mang từ tính tự nhiên thường sống trong môi trường nước, như ao, hồ… ở tầng nước dưới, nơi lượng oxy rất ít. Chúng bơi theo đường từ trường của trái đất, sắp hàng trong từ trường giống như mũi kim compa để tìm kiếm oxy. Khi chúng ăn sắt, các protein trong cơ thể chúng tương tác với sắt để tạo ra các tinh thế quặng sắt từ khoáng chất vô cùng nhỏ bé.
Những nam châm nhỏ tí xíu trong cơ thể vi khuẩn. (Nguồn: BBC)
Sau khi nghiên cứu cách vi khuẩn thu thập, hình thành và định vị các nam châm kích thước nano trong cơ thể chúng, các nhà nghiên cứu đã học hỏi phương pháp này và áp dụng bên ngoài cơ thể vi khuẩn để tạo ra loại nam châm có thể sẽ giúp tạo ra ổ cứng máy tính trong tương lai.
“Chúng tôi đang nhanh chóng đạt tới giới hạn của ngành chế tạo điện tử truyền thống khi các linh kiện máy tính ngày càng nhỏ hơn. Loại máy chúng ta đang sử dụng vẫn cồng kềnh. Thiên nhiên cung cấp cho chúng ta một công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề này", TS. Sarah Staniland ở ĐH Leeds nói.
Bên cạnh việc sử dụng vi sinh vật để tạo ra nam châm, các nhà nghiên cứu cũng tạo ra loại dây điện vô cùng nhỏ từ các vi sinh vật sống.
Họ tạo ra các ống có kích cỡ nano từ màng tế bào, nuôi trong môi trường phòng thí nghiệm với sự giúp đỡ của một protein có trong phân tử lipid trong cơ thể con người. Màng tế bào giống như bức tường sinh học ngăn cách bên trong tế bào với môi trường bên ngoài.
Trong tương lai, các ống đó có thể được sử dụng để tạo ra loại dây dẫn sinh học nhỏ tới mức chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi, nhưng vẫn có khả năng truyền thông tin - giống như các tế bào trong cơ thể con người, TS. Masayoshi Tanaka ở ĐH Nông nghiệp và công nghệ Tokyo giải thích.
“Loại dây dẫn sinh học này có khả năng kháng điện và truyền thông tin từ một tập tế bào bên trong máy tính sinh học sang các tế bào khác", TS. Tanaka nói.
Ngoài máy tính, loại dây dẫn sinh học đó còn có thể sử dụng trong phẫu thuật cho người vì tính tương thích cao.