Cứ 3 người uống cà phê thì có 1 người buồn đại tiện: Tại sao lại vậy?

  •  
  • 4.313

Nếu là một người uống cà phê thường xuyên, bạn sẽ biết rằng thứ thức uống chứa caffeine này không chỉ giúp mình tỉnh táo vào buổi sáng, mà nó còn khiến bạn phải đứng dậy và đi vào nhà vệ sinh.

Trong khi tác dụng nhuận tràng của cà phê đã được biết đến từ lâu, các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao điều này lại xảy ra. Cho đến khi họ quyết tâm đi đến tận cùng của bí ẩn, với một thí nghiệm: Cho lũ chuột uống cà phê và theo dõi quá trình đại tiện của chúng.

Kết quả sơ bộ của nghiên cứu này sẽ được trình bày vào cuối tuần, tại một hội thảo khoa học có tên là "Tuần lễ Bệnh tiêu hóa" ở Mỹ. Trước giờ hội nghị diễn ra, sự thật được tiết lộ một phần cho chúng ta biết: Hóa ra, tác dụng nhuận tràng của cà phê không hề liên quan đến caffeine.

Cà phê có tác dụng kích thích nhu động ruột.
Cà phê có tác dụng kích thích nhu động ruột.

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ khoa Y Đại học Texas. Trong đó, họ đã cho những con chuột uống một cốc nhỏ cà phê trong ba ngày liên tục, một nhóm chuột uống cà phê thường chứa caffeine, trong khi nhóm còn lại uống cà phê decaf (không chứa caffeine).

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hệ thống đường ruột của những con chuột, tập trung vào các cơ co thắt giúp chúng đẩy thức ăn (và cuối cùng là chất thải) qua ruột. Cuối cùng, họ nghiên cứu cách các mô cơ từ ruột phản ứng trực tiếp với cà phê trong phòng thí nghiệm.

Kết quả cho thấy sự thật rất rõ ràng: cơ bắp ở ruột non và ruột già có khả năng co bóp tốt hơn sau khi lũ chuột uống cà phê, nghĩa là mọi thứ, từ thức ăn đến chất thải, có thể di chuyển nhanh hơn dọc theo đường ruột của chúng.

"Cà phê có tác dụng kích thích nhu động ruột và không liên quan đến caffeine. Chúng ta có thể trải nghiệm điều này ngay cả với cà phê đã tách bỏ caffeine, vì vậy tác dụng nhuận tràng không phụ thuộc vào đó", tác giả chính của nghiên cứu, Xuan-Zheng Shi, phó giáo sư nội khoa tại trường Đại học Texas nói với Gizmodo qua điện thoại.

Cũng phải nói rằng, đây không phải nghiên cứu đầu tiên chỉ ra cơ trong đường ruột bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cà phê. Từ thập niên 1990, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người khỏe mạnh nghiện cà phê thường có nhu động ruột mạnh hơn sau khi uống cà phê đen.

Nhưng nghiên cứu của phó giáo sư Shi là bằng chứng đầu tiên cho thấy ngay cả cà phê tách caffeine cũng gây ra tác động này. Nghiên cứu năm 1990 cho thấy các tác động kéo dài 4 phút đồng hồ. Sau khi cà phê có tác động gián tiếp lên đại tràng thông qua ruột non hoặc dạ dày, khoảng 30% những người uống cà phê xong sẽ buồn đi đại tiện.

Khoảng 30% những người uống cà phê xong sẽ buồn đi đại tiện.
Khoảng 30% những người uống cà phê xong sẽ buồn đi đại tiện.

Mặc dù vậy, tiến xa hơn nghiên cứu được thực hiện trong 2 thập niên trước, phó giáo sư Shi và nhóm của ông đã phân tích phân của những chuột đã uống cà phê. So với phân của những con chuột không uống, phân những con chuột này có ít vi khuẩn hơn.

Khi những mẩu phân nhỏ được nhúng vào một đĩa petri với dung dịch được pha 1,5% cà phê, vi khuẩn đã ngừng phát triển; hiệu ứng tương tự nhưng mạnh hơn có thể được nhìn thấy khi mẫu phân tiếp xúc với dung dịch 3% cà phê.

Cũng giống như kết quả trước đó, cà phê khử caffeine tạo ra hiệu ứng tương tự.

"Điều đó thật thú vị, nó có nghĩa là cà phê có thể là một tác nhân kháng khuẩn, và chúng ta có thể thấy điều này - một lần nữa - với cà phê đã khử caffeine", phó giáo sư Shi nói. "Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu thêm về vấn đề, tại sao cà phê có thể có tác dụng ức chế hệ vi sinh vật như vậy?".

Tại thời điểm này, vẫn còn quá sớm để nói chính xác rằng cà phê có thể ảnh hưởng đến những vi khuẩn sống bên trong đường ruột của chúng ta như thế nào. Được gọi là hệ vi sinh vật đường ruột, quần thể này bao gồm cả các vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu.

Chúng ta biết rằng hệ vi sinh vật đường ruột là một môi trường mỏng manh và dễ bị ảnh hưởng. Nếu cà phê giết chết, rửa trôi hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn tốt, điều đó sẽ rất tệ. Ngược lại, nếu nó giết chết các vi khuẩn xấu, điều này sẽ có lợi cho cơ thể chúng ta.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra mối liên quan giữa hệ vi sinh vật đường ruột và nhu động ruột. Một số nghiên cứu cho thấy cà phê có tác dụng làm giảm tỷ lệ ung thư đại tràng. Nhưng phó giáo sư Shi cho biết, chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn nữa mới có thể đưa ra được kết luận cuối cùng.

Cà phê có thể được coi là một chất nhuận tràng dễ kiếm
Cà phê có thể được coi là một chất nhuận tràng dễ kiếm.

Tại thời điểm này, vẫn còn quá sớm để nói chính xác rằng cà phê có thể ảnh hưởng đến những vi khuẩn sống bên trong đường ruột của chúng ta như thế nào.

Thế còn bây giờ, khoa học chỉ có thể cho bạn biết: cứ 3 người uống cà phê thì sẽ có 1 người buồn đại tiện. Vì vậy, cà phê có thể được coi là một chất nhuận tràng dễ kiếm, để giúp những người bị táo bón hoặc mất nhu động ruột tạm thời, vì biến chứng có thể xảy ra sau một số loại hình phẫu thuật, cải thiện tình hình.

Trong khi đó, đối với những người thắc mắc rằng họ có thể dùng cà phê để "detox", loại bỏ độc tố ra khỏi đường ruột như một dạng thuốc xổ hay không, nghiên cứu này không phải một bằng chứng cho điều đó.

Cập nhật: 24/05/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4.313