Trợ lý ảo có thể thay thế hướng dẫn viên du lịch trong tương lai

  •  
  • 498

Chỉ cần mang theo một thiết bị có khả năng phát audio hoặc smartphone cài sẵn ứng dụng, khách du lịch có thể nghe thông tin về các hiện vật mà không cần hướng dẫn viên tại bảo tàng.

Đào Thanh Hải, trưởng nhóm đang nghiên cứu sản phẩm
Đào Thanh Hải, trưởng nhóm đang nghiên cứu sản phẩm. (Ảnh: NVCC.)

Sản phẩm này do một nhóm sinh viên ĐH công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM gồm Đào Thanh Hải, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Thanh Hiền sáng chế.

Nhiều lần đến tham quan tại các bảo tàng, các thành viên nhóm đều trăn trở khi nhận thấy rằng, các bảo tàng trong nước hiện nay chưa tạo ra sức hấp dẫn với khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, vào thời điểm du lịch hay lễ hội, các bảo tàng đón một lượng khách khá đông. Các hướng dẫn viên thường làm việc rất vất vả mà vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan.

Các bảo tàng hiện nay chủ yếu sử dụng hướng dẫn viên để giới thiệu hiện vật. Tuy nhiên, hướng dẫn viên không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như không phải ai cũng có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau” - Đào Thanh Hải, trưởng nhóm cho hay.

Chính những lý do đó đã thôi thúc ba chàng sinh viên tạo ra một giải pháp công nghệ giúp giải đáp thông tin cho khách tham quan khi vào bảo tàng.

Theo Nguyễn Thanh Hiền, thành viên nhóm, sản phẩm sẽ gắn các thiết bị phát sóng tại các hiện vật. Khi khách tham quan đến tại khu vực hiện vật ở cự ly từ 2-4 m, các thiết bị phát sóng sẽ kết nối với smartphone bằng sóng bluetooth. Khi nhận được tín hiệu, smartphone cài sẵn ứng dụng sẽ tự động phát ra các thông tin về hiện vật bằng âm thanh.

Ngoài ra, ứng dụng trên smartphone có thể chỉ dẫn cho khách tham quan đến các địa điểm du lịch ở khu vực lân cận bằng việc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS)” - Hiền cho hay.

Thiết bị audio do nhóm thiết kế
Thiết bị audio do nhóm thiết kế. Ngoài ra, người dùng có thể tải ứng dụng trên điện thoại thông minh để sử dụng hệ thống này. (Ảnh: NVCC.)

Sản phẩm có nhiều ưu điểm, nhưng Nguyễn Đức Huy, thành viên nhóm cho biết, hệ thống chỉ phát ra âm thanh để cung cấp thông tin hiện vật cho người dùng. Điều này có thể sẽ làm cho khách tham quan cảm thấy khô khan, nhàm chán.

“Vì thế, trong tương lai, nhóm sẽ phát triển sản phẩm này như một dạng trí tuệ nhân tạo, có khả năng tương tác với khách du lịch. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo sẽ vừa cung cấp thông tin vừa có thể giải đáp các thắc mắc của khách hàng thông qua việc trao đổi” - Huy chia sẻ.

TS Trịnh Lê Huy, Giảng viên khoa kỹ thuật máy tính, ĐH công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá, sản phẩm của nhóm mang tính phát hiện, có thể giải quyết vấn đề về thông tin cho khách du lịch.

Tuy nhiên, TS Huy nhìn nhận, để sản phẩm có thể ứng dụng thực tế tại các bảo tàng phải mất thêm một thời gian dài nữa. Trước hết, nhóm sinh viên phải làm việc với bảo tàng để triển khai lắp đặt hệ thống, sau đó mới có thể tính đến người dùng cuối là khách tham quan.

Nhóm có thể phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao tính chính xác của hệ thống. Tức là sản phẩm có thể định vị chính xác vị trí người dùng ở đâu trong bảo tàng. Từ đó, hệ thống sẽ đưa ra những chỉ dẫn cụ thể hơn để hỗ trợ khách hàng khi tham quan ở một địa điểm mới”- TS Huy cho biết.

Cập nhật: 31/12/2017 Theo Khám Phá
  • 498