NHK đưa tin, cụ bà người Nhật Bản Kane Tanaka đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness là người sống lâu nhất trên hành tinh với 117 tuổi 260 ngày.
Trước đó, kỷ lục tuổi thọ cũng thuộc về một cụ bà Nhật Bản Nabi Tajima, người đã qua đời vào năm ngoái.
Kane Tanaka sinh ngày 2/1/1903 là con thứ 7 trong số 8 người con. Bà kết hôn với ông Hideo Tanaka năm 1922. Họ có 5 người con, trong đó một người là con nuôi.
Cụ bà Kane Tanaka là người cao tuổi nhất thế giới được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness. (Ảnh: NHK).
Được biết, bà Tanaka thường thức dậy lúc 6h sáng. Bà thích học toán và chơi cờ Othello. Ngoài ra, bà thích ăn sô cô la và uống nước ngọt, đồng thời bà cũng hy vọng sẽ sống đến 120 tuổi.
Người Nhật có xu hướng tăng tuổi thọ và thống trị danh sách người già nhất. Mặc dù việc thay đổi thói quen ăn uống dẫn tới tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhưng hiện tượng béo phì vẫn còn tương đối hiếm ở quốc gia có truyền thống ẩm thực tập trung vào cá, gạo, rau và các thực phẩm ít chất béo khác.
Trước đó, theo số liệu mới nhất, hiện có hơn 80 nghìn người ở Nhật Bản trên 100 tuổi, 88% trong số đó là phụ nữ. Năm 1963 ở Nhật Bản chỉ có 153 người trên 100 tuổi, nhưng đến năm 1981, con số của họ đã lên đến 1.000 người và năm 1998 là 10 nghìn người, phần lớn nhờ vào các tiến bộ trong công nghệ y học.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, tính đến ngày 15/9, nước này có 80.450 người từ 100 tuổi trở lên, tăng 9.176 người so với năm ngoái. Đây là mức tăng tính theo năm cao nhất, với số cụ ông tăng 1.011 người và số cụ bà tăng 8.165 người. Hiện, số cụ bà từ 100 tuổi trở lên là 70.975, trong khi số cụ ông là 9.475.
Năm 2019, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 87,45, trong khi con số này của nam giới là 81,41. Trong đó, cụ ông Mikizo Ueda (năm nay 110 tuổi, cư dân của tỉnh Nara, phía tây Nhật Bản) là cụ ông cao tuổi nhất quốc gia Đông Á này.