Việc cù lét có thể khiến trẻ cười lớn và cha mẹ rất thích thú với hành động cưng nựng này. Thế nhưng, trẻ cười không có nghĩa là chúng đang thích thú với việc cha mẹ đang làm.
Cười khi bị cù lét là một phản ứng tự nhiên giống như hắt hơi. Nhưng hành vi này trước đây được xem như một hình thức tra tấn trong lịch sử. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rằng, tiếng cười không có nghĩa là trẻ thích hoặc muốn bị cù lét.
Đối với những đứa trẻ nhạy cảm với việc cù lét, chúng không thể ngừng cười và cực kỳ ghét điều đó. Phản xạ tiếng cười khiến cha mẹ ảo tưởng rằng con mình thực sự thích nhưng trên thực tế chúng rất khó chịu.
Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học California (Mỹ) vào năm 1997, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, cù lét không tạo ra cảm giác hạnh phúc giống như khi cười trước một trò đùa hài hước. Cù lét chỉ tạo cảm giác bên ngoài rằng, một người đang cười có vẻ vui thích.
Việc cù lét liên tục có thể gây ra những tràng cười không kiểm soát được, khó có thể dừng lại, khiến người bị cù khó thở. Khi trẻ chưa thể biểu đạt được, chúng cảm thấy khó chịu nhưng không thể làm gì được.
Cù lét bất chấp sự phản kháng của người khác có thể gây ra nỗi đau về tinh thần suốt đời.
Patty Wipfler, một chuyên gia về nuôi dạy con cái, đồng thời là người sáng lập và Giám đốc của Tổ chức Hand in Hand (San Francisco, Mỹ) chia sẻ kinh nghiệm của mình rằng việc cù lét vào thời thơ ấu là nguyên nhân khiến người lớn gặp những vấn đề về cảm xúc sau này. Cô viết: "Trong nhiều năm tôi nghe người lớn nói về những thử thách cảm xúc trong cuộc sống của họ khi còn nhỏ, cảm giác nhột xuất hiện lặp đi lặp lại như một trải nghiệm đau đớn".
Những chấn thương về tâm lý có thể dẫn đến một số tình huống người từng bị cù lét không muốn ở gần người khác. Họ cảm thấy không an toàn ngay cả khi ngủ gần một người đáng tin cậy và luôn đề phòng bất cứ lúc nào với những cử chỉ đụng chạm thông thường.
Bị cù lét một cách cưỡng chế, không tự nguyện khiến người ta có cảm giác khó chịu, để lại những ký ức không mấy vui vẻ trong cuộc đời. Khi người lớn cù lét trẻ em, họ đơn thuần chỉ muốn vui đùa, nghĩ rằng hành động này sẽ không gây hại gì.
Theo tiến sĩ Richard Alexander, Giáo sư Sinh học tiến hoá tại Đại học Michigan (Mỹ), cù lét có thể là một hình thức thống trị, phản ứng tiếng cười như một cách thể hiện sự phục tùng.
Theo tiến sĩ Richard Alexander, cù lét có thể là một hình thức thống trị. (Ảnh minh họa).
Có thể bạn chưa biết rằng, cù lét từ lâu được sử dụng như một cách tra tấn. Vào thời nhà Hán ở Trung Quốc, cù lét chính là một cách tra tấn quý tộc, vì nó không để lại bất kỳ dấu vết gì trên người nạn nhân. Ở Nhật Bản, hình thức này cũng phổ biến, thậm chí còn có một cái tên đặc biệt "kusuguri zeme".
Giáo sư Vernon R. Wiehe ở Đại học Kentucky (Mỹ) đã nghiên cứu 150 đối tượng, những người từng bị anh chị em của họ bạo hành trong thời thơ ấu. Nhiều người trong số đó cho biết, cù lét là một kiểu lạm dụng thể chất. Nghiên cứu kết luận rằng, việc cù lét có thể gây ra các phản ứng sinh lý cực đoan ở nạn nhân như nôn mửa và không thở được.
Cù lét hoàn toàn khác với cách cưng nựng, yêu thương thông thường. Một đứa trẻ bỗng nhiên bị cha mẹ cù lét một cách bất ngờ, tiếng cười của chúng thực chất là phản ứng tự nhiên không thể kiểm soát. Việc bị người khác làm những hành động mình không thích chắc chắn sẽ gây ra phản ứng khó chịu. Thế nhưng, trẻ còn quá nhỏ để có thể diễn đạt. Việc cười quá nhiều trong một số điều kiện thiếu không khí có thể khiến trẻ bị ngạt thở hoặc sặc.
Nhiều cha mẹ cứ nghĩ rằng, cảm giác bị nhột, buồn cười khi bị cù lét là bình thường. Trên thực tế, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không có cảm giác thích thú với hành động này.
Eric Morley, một bác sĩ nhi khoa tại Memorial Care Medical Group ở California giải thích rằng, trẻ sơ sinh thường không bắt đầu cười cho đến khi khoảng 4 tháng tuổi. Tiếng cười do bị cù lét có thể đến khoảng 6 tháng tuổi. Những nghiên cứu cho thấy trước 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh chỉ cảm thấy nhột và cười theo người trước mặt.
Trẻ sơ sinh không hề thích thú với việc cù lét. (Ảnh minh họa).
Phản ứng của một đứa trẻ khi bị cù phụ thuộc vào bối cảnh liên quan và mức độ phát triển thể chất. Một đứa trẻ sơ sinh có thể thích hoặc không thích bị cù lét. Cảm giác nhột có thể khiến em bé phản ứng, bằng cách thể hiện chuyển động hoặc phản ứng kích thích.
Khi trẻ sơ sinh khi lớn dần, phản ứng của chúng với việc cù lét cũng thay đổi theo. Nguyên nhân là do sự tỉnh táo của trẻ đối với các hệ thống giác quan khác nhau, bao gồm cả thính giác và thị giác.
Một khi các giác quan phát triển, trẻ có thể thích hoặc không thích cảm giác nhột, tuỳ vào hoàn cảnh hoặc tâm trạng của các bé (vui, buồn, đói, mệt…).
Là cha mẹ, bạn có thể đánh giá mức độ thoải mái của con mình, nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cha mẹ cần dừng lại ngay. Khi trẻ lớn dần lên, chúng bắt đầu hiểu về khái niệm và lý do đằng sau việc cù lét của cha mẹ, lúc này chúng sẽ cười hoặc cho bạn biết khi nào cần dừng lại.