Ngày 5-3, Đài truyền hình TVP3 của Ba Lan đã xác nhận ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên của nước này sau khi xét nghiệm thấy virus H5N1 trong xác một con thiên nga chết hai ngày trước tại Torun, phía bắc Ba Lan.
Trong khi đó tại Đức, quốc gia chung đường biên giới với Ba Lan, virus cúm gia cầm đã lan đến tiểu bang thứ sáu là Lower Saxony, sau khi xét nghiệm cho thấy một con ngỗng trời chết tại bang này vào tuần trước là do nhiễm virus H5N1.
Lính Đức tìm kiếm xác chim hoang dã trên đảo Ruegen thuộc biển Baltic (Ảnh: AFP) |
Vào ngày 4-3, một quan chức tại Azerbaijan cho biết hai đứa trẻ chết tại nước này vào tháng trước có thể đã bị nhiễm virus cúm gia cầm, mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận chính thức. Nhà của hai em này có nuôi gà.
Cũng trong ngày 4-3, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia cho biết một bé trai 3 tuổi sống ở miền trung Indonesia đã tử vong do cúm gia cầm. Các phân tích khẳng định em bé bị nhiễm virus H5N1, song để có kết quả chính thức, mẫu bệnh phẩm đã được chuyển đến phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Hong Kong. Nếu kết quả trên không thay đổi, đây sẽ là người thứ 21 ở Indonesia bị chết vì cúm gia cầm.
Còn tại Trung Quốc, một người đàn ông 32 tuổi sống ở thành phố Quảng Châu (giáp ranh với Hong Kong) đã tử vong vào ngày 2-3 sau chín ngày bị sốt và viêm phổi.
Các bác sĩ lo ngại người đàn ông này đã chết vì cúm gia cầm do trước đó ông này thường xuyên đến khu vực giết mổ gà tại một chợ địa phương. Nếu kết quả xác nhận là đúng thì đây là trường hợp thứ chín tại Trung Quốc chết vì cúm gia cầm.
Từ đầu tháng hai đến nay, virus H5N1 đã lan đến thêm 15 quốc gia và hiện có mặt tại châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
THANH TRÚC (tổng hợp)