Cuộc chiến giải pháp phần mềm tổng thể

  •  
  • 46

Để chiếm ưu thế trên thương trường, các công ty phần mềm lớn có xu hướng trở lại với chiến thuật kinh điển: đem đến cho khách hàng những giải pháp phần mềm "từ gốc đến ngọn".

Có thể nói xu hướng này là một cách tiếp cận cũ cho một cuộc chạy đua mới. Ý tưởng tăng doanh số bằng cách bán tất cả mọi thứ, từ hệ điều hành cho đến các phần mềm cơ sở dữ liệu và ứng dụng kinh doanh đã được tập đoàn IBM triển khai trong nhiều năm. "Big Blue" từng kết hợp đủ loại sản phẩm công nghệ cao từ phần cứng, phần mềm đến dịch vụ trong một gói sản phẩm. Giờ đây, Microsoft mới đưa ra giải pháp One-stop tại các kênh bán lẻ theo mô hình tương tự. Oracle và SAP cũng không phải ngoại lệ.

Xu thế này khác hẳn với vài năm trước, khi các hãng phần mềm chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực mạnh nhất của mình. Cũng có những gói giải pháp được giới thiệu, chủ yếu hình thành dựa trên sự kết hợp những sản phẩm tốt nhất trên thị trường, chú trọng tính năng sản phẩm mà không quan tâm đến hãng sản xuất.

Sự thay đổi trong đường lối kinh doanh của nền công nghiệp phần mềm có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm lợi nhuận trong những năm gần đây. Các công ty lớn muốn giữ được mức tăng trưởng buộc phải đưa vào thị trường những gói giải pháp tổng thể với hy vọng tối đa hoá lợi nhuận từ khách hàng trung thành.

Xu hướng này được thể hiện rõ nhất tại Oracle, công ty kiếm hàng tỷ USD từ việc bán cơ sở dữ liệu và các phần mềm ứng dụng thương mại. Trong những năm gần đây, Oracle liên tục mua lại các doanh nghiệp nhỏ hơn, thậm chí thâu tóm một số đối thủ như People Soft, Siebel System. Sau mỗi thương vụ, Oracle lại tích hợp ứng dụng độc đáo của công ty con trên nhiều lĩnh vực vào sản phẩm cơ sở dữ liệu của mình, hình thành dòng phần mềm trung gian.

Hãng Red Hat cũng đã mua lại JBoss và đưa mã nguồn mở bước sang một thời kỳ cạnh tranh mới trong cộng đồng các công ty chuyên thiết kế giải pháp phần mềm tổng thể. Theo đó, các nhà sản xuất có thể đưa ra những phần mềm hệ thống lớn trên nhiều lĩnh vực.

Tính đến thời điểm này, chỉ có Microsoft "phủ" được sản phẩm của mình trên hầu hết các lĩnh vực trong khi IBM, SAP và Oracle vẫn còn để một vài chỗ trống. Giám đốc điều hành Oracle, Larry Ellison, đã than phiền với báo chí rằng ông ta mới chỉ "gần như có được giải pháp phần mềm hoàn chỉnh". "Chúng tôi đang thiếu một hệ điều hành. Bạn có thể hiểu được tại sao chúng tôi buộc phải phát triển và hỗ trợ Linux", Ellison nói.

Giới chuyên gia đánh giá chiến thuật cung cấp giải pháp tổng thể là thích hợp đối với các công ty phần mềm trong thời điểm hiện tại. Thậm chí xu hướng này hữu ích cho cả những hãng mới thành lập. Khi cung cấp những bộ phần mềm, nhà cung cấp sẽ tối ưu hóa lợi nhuận từ lượng khách hàng hiện có. Đồng thời việc điều tiết phát triển phần mềm trong tương lai cũng thuận lợi hơn. Khách hàng được lợi từ việc hỗ trợ kỹ thuật nhất quán và độ tích hợp chặt chẽ trong sản phẩm.

"Mọi thứ đều được kiểm soát", John Rymer, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Forrester Research, nói. "Oracle bán cho bạn một giấy phép sử dụng tổng thể và duy trì thu nhập và lợi nhuận cơ bản từ đó. Từ đây, họ có thể tiếp tục nâng cao doanh số bằng các sản phẩm, dịch vụ gia tăng cùng nhiều tiềm năng khác nữa".

Hạ Thảo

Theo CNet, VnExpress
  • 46