Câu chuyện đằng sau con người có phát minh để đời, một trong những dụng cụ cực kì khó hiểu nhưng vô cùng hữu ích của nhân loại.
Samuel W. Francis sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm bác sĩ. Ông là người lập ra Tổ chức Bảo vệ Vệ sinh, sau này dẫn tới việc thành lập Bộ Y tế tại thành phố New York. Nhưng ông còn nổi tiếng với danh nghĩa một nhà phát minh... những thứ quái dị, khó hiểu nữa.
Một trong những phát minh để đời của ông.
Ông tạo nên chiếc bàn chải với lông cứng, một chiếc gậy có đồng xu bên trong để trả tiền xe bus từ xa mà không phải rời ghế ngồi của mình, một cỗ quan tài bật được nắp nhằm cứu những người bị chôn nhầm… Nhưng vĩ đại nhất, đáng lưu danh muôn thuở nhất có lẽ là cái thìa/dĩa hay muỗng/nĩa trong ngôn ngữ Nam Bộ.
Vì tính nhất quán của bài viết, xin phép được gọi phát minh kì diệu này là thìa-dĩa
Người ta vẫn nghĩ thìa-dĩa được tạo ra để ăn một suất ăn nhanh hay để cho trẻ em có thể ăn uống an toàn. Nhưng bản thân người phát minh ra nó lại chẳng phải là một người sành ăn, ông là một trong những chuyên gia y học của New York.
Cha của ông Samuel Ward Francis là bác sĩ John W. Francis, một bác sĩ nổi tiếng và cũng là một nhân vật có vai vế tại New York. Dường như Samuel thừa hưởng tính sáng tạo cũng như niềm đam mê y học từ cha, bởi ông John Francis cũng là một nhà phát minh. Ông đã kết hợp ba loại chất nhuận tràng vào trong một viên thuốc chữa bệnh, có lẽ cũng giống với cách người con của ông kết hợp thìa và dĩa vậy.
Máy đánh chữ mà ông Francis phát minh ra.
Ông còn là một nhà phát minh của vô vàn thứ
Và nhiều phát minh trong số đó còn mang hơi hướng… khó hiểu. Rất ít sản phẩm được thực sự làm ra. Dưới đây là một trong số những sản phẩm như vậy:
Một hộp diêm quẹt ở thành BÊN TRONG của hộp, thay vì ở bên ngoài.
Biện pháp chữa trị bỏng bằng một găng tay bằng thủy tinh. Bệnh nhân sẽ đeo một thiết bị như vậy, bên trong sẽ được đổ đầy dung dịch chữa bệnh. Dung dịch này sẽ được tháo ra ngoài qua một lỗ đặt tại ngón tay út.
Tuy nhiên, cũng có thứ hữu ích: Năm 1857, ông phát minh ra một mẫu máy đánh chữ có khả năng gõ đúng vị trí mỗi khi từ giấy di chuyển. Ông tạo ra thứ này khi còn là một cậu sinh viên, và cỗ máy này có lẽ đã dẫn đầu cuộc cách mạng phát minh ra máy đánh chữ sau này.
Ông còn là một tác giả viết rất nhiều sách, và tin rằng Chúa trời tạo ra muỗi để xua đuổi con người khỏi những vùng đất nhất định
Những giả thuyết ấy cho thấy Francis là một người rất sáng tạo, luôn đặt não bộ mình trong trạng thái hoạt động, liên tục lao vào tìm hiểu những bí ẩn của thế giới. Trong cuốn sách Những Sự Thật Đáng Tò Mò Khiến Con người và Tự nhiên Lo lắng, ông cho rằng loài muỗi "được tạo ra với mục đích xua đuổi con người khỏi những vùng đất có bệnh sốt rét".
Nhiều cuốn sách khác của ông là những cuốn tự truyện, tiểu sử hay những giả thuyết khác về thế giới này. Bên cạnh đó là một cuốn về lịch sử của nước trên hành tinh này, một mẩu truyện ngắn tự viết và một cuốn tiểu thuyết có tên Sự sống và Cái chết.
Tuy nhiên, như trang tin Vox chỉ ra, thì chẳng cuốn sách nào nói lên sự tuyệt diệu của cái thìa-dĩa cả. Tuy nhiên, những cuốn sách, những giả thuyết kia vẫn chỉ ra một tính cách sáng tạo nơi ông Francis.
Nhưng đáng tiếc là ông mất đi mà không biết cái thìa-dĩa nổi tiếng như thế nào
Đáng tiếc, là ông không chứng kiến được sự thành công của đứa con tinh thần này của mình.
Ta không biết gì về câu chuyện cách thức ông tạo nên cái thìa-dĩa này. Có lẽ trong một bữa ăn sang trọng nào đó, ông đã cầm một cái thìa và một cái dĩa lên, quyết định rằng mất công bày biện nhiều thứ mà làm gì trong khi có thể kết hợp chúng lại với nhau.
Đáng tiếc, là ông không chứng kiến được sự thành công của đứa con tinh thần này của mình. Năm 1951, một người đàn ông có tên Hyde W. Ballard đã đăng kí bản quyền cái tên "spork", là sự kết hợp của "spoon – thìa" và "fork – dĩa". Nhưng ít người biết rằng bằng sáng chế thứ này phải là của Francis, người đã đi trước thời đại tới cả gần trăm năm.
Đừng nhìn vào những phát minh không đâu mà đánh giá con người ông Francis không bình thường. Ông là một vị bác sĩ đáng kính, một sử học gia uyên bác, một nhà phát minh, một bộ não hoạt động không ngừng nghỉ không phù hợp với xã hội đương thời.
Ông mất năm 1886, tại nhà nghỉ dưỡng của mình tại Newport, Rhode Island. Tờ New York Times có một bài cáo phó nêu rõ rằng ông đã được kính yêu nhường nào. "Ông được biết tới và được kính trọng bởi những người dân vùng Newport, cũng như những người cùng khu vực. Bản chất tốt bụng và ôn hòa của ông đã có được tình yêu từ mọi người".
Lần tới, khi bạn nhìn thấy hình ảnh về chiếc thìa-dìa, chiếc thĩa/dìa/mĩa/nuỗng, bạn hãy nhớ tới câu chuyện về vị bác sĩ, tác giả sách, nhà phát minh Samuel Ward Francis.