Đảo Okinoshima vẫn duy trì luật cấm phụ nữ với nhiều giả thuyết như theo đạo Shinto, kinh nguyệt làm ô uế nơi linh thiêng hay những hải trình tới đảo rất gian nan nên phụ nữ và trẻ em không được đi.
Okinoshima, một hòn đảo hẻo lánh thuộc biển Genkai ở Fukuoka, tây nam Nhật Bản, là lãnh địa của đạo Shinto, và còn giữ lại nhiều luật lệ cổ xưa. Trong đó có một luật gây ra nhiều tranh cãi là "cấm phụ nữ bước chân lên đảo".
Cả hòn đảo được coi như một chốn linh thiêng. Tại đây chủ yếu là các thầy tu làm việc trong điện thờ Okinoshima, thuộc điện lớn hơn là Munakata Grand Shrine.
Hình ảnh du khách lên đảo và làm lễ ở các điện thờ. (Ảnh: Wikimedia Commons/Indiana).
Đảo hiếm khi có khách tới thăm. Những người đàn ông được phép tiếp cận một lần mỗi năm vào ngày 27/5, để tham dự một lễ hội nhằm "an ủi tinh thần" của các lính Nhật và Nga đã chết trong trận chiến năm 1905. Dịp này chỉ tuyển 200 người đàn ông để tới đây.
Bất kể ai được lên đảo cũng phải tuân theo những luật sau (không có ngoại lệ): Không được kể cho ai nghe về những điều mắt thấy tai nghe trên đảo, không được lấy đi bất kể thứ gì dù là một cọng cỏ hay một viên đá, ngay khi tới đảo phải thanh tẩy cơ thể tại biển (khỏa thân và đầm mình trong nước biển tới cổ).
Các thầy tu ngày nay vẫn thực thi lệnh nghiêm cấm phụ nữ, mặc dù vẫn chưa có lý giải đầy đủ tại sao lệnh cấm này tồn tại. Ryo Hashimoto, một cây bút của Japan Times, cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân đưa ra lệnh cấm phụ nữ nhưng phần nhiều cho rằng kinh nguyệt sẽ làm ô uế nơi linh thiêng". Đạo Shinto coi máu là tạp chất, không trong sạch. Số khác lại cho rằng nếu có phụ nữ tới đảo, nữ thần được thờ tại đây sẽ nổi cơn thịnh nộ.
Một nguyên nhân khác được cho là các hải trình tới đảo rất nguy hiểm, phụ nữ không được đi để bảo vệ chính họ cũng như con nhỏ thường mang theo. Okinoshima nằm trên các tuyến đường giao thương quan trọng giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 9.
Trải qua nhiều thế kỷ, Okinoshima có tới 100.000 vật phẩm.
Những người đi biển thường dừng ở đảo để cầu mong sự bảo hộ của các vị thần và cúng dường bằng chuỗi hạt quý, gương và kiếm. Trải qua nhiều thế kỷ, Okinoshima có tới 100.000 vật phẩm chủ yếu là vòng vàng, đồ trang sức bằng đồng, đặc biệt nhất là sankakuen shinjukyo (một chiếc gương đồng hình tam giác trang trí nhiều hình động vật). 80.000 vật phẩm trong số đó hiện là bảo vật quốc gia. Đây có lẽ là một phần lý do đảo Okinoshima được vào danh sách đề cử di sản của UNESCO sắp được xét duyệt vào tháng 7 tới.
Nhiều ý kiến phản đối Okinoshima chỉ chấp nhận đàn ông. Một nhóm theo đạo Hindu hồi năm ngoái đã lên tiếng yêu cầu UNESCO từ chối xét hòn đảo thành di sản nếu không bỏ luật cấm phụ nữ.
Dù hòn đảo có thể nằm trong danh sách di sản, nhiều người vẫn cho rằng nó sẽ không bao giờ thay đổi. Một đại điện ở Munakata Taisha trả lời Mainichi Daily: "Chúng tôi vẫn giữ những quy luật của mình cho dù nơi này có là di sản thế giới và duy trì việc kiểm soát nghiêm ngặt khách lên đảo".
Theo Japan Times, chính quyền Fukuoka đang cân nhắc một giải pháp là xây dựng trung tâm cho du khách tìm hiểu về hòn đảo mà không phải lên đây.