Dầu cá có thể chuyển mỡ xấu thành mỡ tốt

  •   32
  • 2.417

Chứa nhiều vitamin và acid béo Omega-3, cá được cho là loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe tim mạch và não nhưng trong một nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học Nhật, nó còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cân. Cụ thể, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Kyoto đã phát hiện rằng dầu cá có thể chuyển hóa các tế bào lưu trữ chất béo thành tế bào đốt cháy chất béo, hứa hẹn sẽ hình thành nên biện pháp hỗ trợ điều trị béo phì trong tương lai.

Trong cơ thể động vật nói chung và con người nói riêng có tồn tại 2 loại mỡ là mỡ trắng và mỡ nâu. Trong khi mỡ nâu có thể đốt cháy sinh năng lượng và tỏa nhiệt thì mỡ trắng trữ năng lượng dưới dạng lipid và đây được cho là thủ phạm đứng đằng sau béo phì. Trước giờ, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh vào cơ chế hình thành các tế bào mỡ tốt/xấu này và cho tới hiện tại, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loại protein, kích thích tố và các yếu tố môi trường khác có liên quan tới quá trình này, hứa hẹn sẽ đề ra biện pháp giải quyết triệt để nạn béo phì.

Các nhà khoa học phát hiện ra một dạng tế bào mỡ thứ 3 trong cơ thể người gọi là mỡ nâu nhạt (beige).
Các nhà khoa học phát hiện ra một dạng tế bào mỡ thứ 3 trong cơ thể người gọi là mỡ nâu nhạt (beige).

Đến năm 2012, các nhà khoa học phát hiện ra một dạng tế bào mỡ thứ 3 trong cơ thể người gọi là mỡ nâu nhạt (beige). Các tế bào này cũng có thể đốt cháy chất béo để giải phóng năng lượng tương tự như mỡ nâu nhưng lại suy giảm khi con người đạt tuổi trung niên. Phát hiện đó hứa hẹn sẽ cung cấp một liệu pháp mới nhằm chữa trị béo phì. Và mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto, Nhật Bản đã có một khám phá mới, tìm ra những loại thức ăn cụ thể giúp tăng cường lượng mỡ nâu nhạt.

Khi đó, họ bắt đầu tiến hành các thử nghiệm bắt đầu từ dầu cá, loại thực phẩm trước giờ được cho là có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe để xem nếu ăn dầu cá thì có ảnh hưởng như thế nào tới lượng chất béo nâu nhạt. Trong thử nghiệm, họ cho một nhóm chuột ăn các loại thức ăn có nhiều chất béo và nhóm khác, cho ăn lượng chất béo tương tự nhưng có thêm dầu cá. Kết quả cho thấy, nhóm thứ 2 tăng cân ít hơn từ 5 đến 10% so với nhóm còn lại và vào cuối thử nghiệm, lượng chất béo của chuột ở nhóm thứ 2 cũng ít hơn từ 15 đến 25%.

Dầu cá
Dầu cá là loại dầu có nguồn gốc từ các mô của những con cá chứa dầu như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ...

Nhóm nhận định rằng có thể dầu cá đã kích hoạt các thụ thể ở đường tiêu hóa, kích thích hệ thống thần kinh giao cảm và chuyển đổi tế bào mỡ trắng thành tế bào mỡ nâu nhạt. Đồng tác giả của nhóm nghiên cứu, Teruo Kawada tại Đại học Kyoto cho biết: "Người ta thường nói những loại thực phẩm từ Nhật và Địa Trung Hải giúp sống thọ hơn, nhưng vẫn chưa có lời giải thích nào phù hợp. Bây giờ, chúng ta đã có cái nhìn cận cảnh sâu sắc hơn nhằm trả lời cho câu hỏi đó".

Dầu cá là gì?

Dầu cá là loại dầu có nguồn gốc từ các mô của những con cá chứa dầu như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ.... Dầu cá có chứa các axit béo omega-3 axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ở góc độ dược phẩm, dầu cá là tên gọi chung cho thuốc và thực phẩm chức năng dạng viên nang mềm chứa vitamin tan trong dầu (hoặc dầu gan cá), được dùng bồi dưỡng sức khoẻ, dầu cá chứa omega-3, omega-6 được lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng. Dầu cá thông dụng hiện nay chia làm hai loại: loại chứa vitaminA, D tan trong dầu và loại chứa axít béo omega-3, omega-6. Dầu cá là dạng vitamin, tan trong dầu, chúng chỉ được hấp thu tốt nhất khi có dung môi phù hợp.

Những con cá không thực sự sản xuất axit béo omega- 3, nhưng thay vì tích trữ bằng cách tiêu thụ vi tảo hoặc cá mồi thì nó đã tích lũy axit béo omega- 3, cùng với một lượng cao chất chống oxy hóa như iốt và selen từ vi tảo. Những loài cá săn mồi như cá mập, cá kiếm, cá kình và cá ngừ chứa rất nhiều axit béo omega-3, nhưng do vị trí của chúng lại nằm trên cùng của chuỗi thức ăn thế cho nên các loài này cũng có thể tích lũy các chất độc hại.

Cập nhật: 24/12/2018 Theo Tinh Tế
  • 32
  • 2.417