Các chuyên gia ký sinh trùng-ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cảnh báo, không rửa tay sạch sẽ sau khi chơi với chó mèo, con người có thể bị tổn thương não dẫn đến những cơn đau đầu, động kinh, thậm chí liệt do nhiễm giun đũa ký sinh ở chó mèo.
Ngày 14/8, TS.BS Trần Thị Hồng - Giảng viên Bộ môn Ký sinh Trùng, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, cho biết bệnh giun đũa chó mèo Toxocara canis được thế giới ghi nhận vào năm 1952 lần đầu tiên ở trẻ em có hội chứng gan và phổi. Còn tại Việt Nam, vào năm 1997 - 2000, những ca đầu tiên được ghi nhận tại BV Nhi Đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới ở những bệnh nhân có vấn đề về thần kinh do giun đũa ký sinh ở chó mèo nhờ vào xét nghiệm miễn dịch ELISA.
Bé Nguyễn Thị H.H., 11 tuổi, ngụ tại Củ Chi, nhập viện Nhi Đồng 2 với lý do đau đầu. Trước khi nhập viện 3 tháng, bé đau đầu âm ỉ ở vùng trán, 2 thái dương. Cơn đau ngày càng tăng dần cả ngày lẫn đêm. Bé đã được điều trị nhiều loại thuốc giảm đau ở địa phương nhưng không đỡ. Bé phải nghỉ học và sau đó vào điều trị tại khoa Nội Thần kinh - BV Nhi Đồng 2.
Sau khi nhập viện, qua xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện bạch cầu tăng cao, chứng tỏ có ký sinh trùng trong người. Nhờ vào xét nghiệm miễn dịch ELISA, người ta phát hiện ra ký sinh trùng lạc chủ, giun đũa ký sinh ở chó - Toxocara canis.
|
Giun đũa ký sinh ở chó (Nguồn: Wikimedia) |
Sau đó, khoa Nội Thần kinh tiếp nhận thêm một ca bệnh nhi nam 9 tuổi từ Hàm Tân - Thuận Hải chuyển vào trong tình trạng co giật và nói nhảm. Ba năm trước, bé xuất hiện nhiều cơn co giật toàn thân, được chẩn đoán và điều trị căn bệnh động kinh. Nhưng càng về sau, bé càng co giật nhiều hơn, xuất hiện triệu chứng nói nhảm kèm theo rối loạn hành vi. Sau khi nhập viện, bé nói nhiều liên tục, co giật toàn thân 2 - 3 lần/ 24 giờ, mỗi cơn kéo dài 3 phút.
Người ta cũng phát hiện ấu trùng Toxocara canis đã làm tổn thương não của bệnh nhi này.
Cả hai nhà của bệnh nhi đều nuôi rất nhiều chó. Hai bệnh nhi này thường xuyên ẵm bồng và chơi với những con thú cưng này.
Rửa tay sạch sau khi chơi với chó mèo Ấu trùng giun đũa chó mèo - Toxocara canis xâm nhập vào thành ruột của con người và được chuyên chở theo đường máu đến gan, phổi, não và những cơ quan khác. Ở những cơ quan này, ấu trùng lang thang hàng tuần hoặc hàng tháng, hoặc nằm im, thành những vật lạ gây viêm và kích thích tạo u hạt. Tuy nhiên, do người là ký chủ ngẫu nhiên nên ký sinh trùng không bao giờ phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Vì vậy, các chuyên gia không thể tìm thấy trứng trong phân của người nhiễm.
Theo nhiều nghiên cứu gần đây với xét nghiệm miễn dịch ELISA tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng dân cư từ 0 - 13%. Người ta ước đoán, ở Việt Nam, tỷ lệ này nhiễm là 5%.
Khi nhiễm, giun đũa chó mèo có thể gây ra rất nhiều bệnh. Với hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết da (bầm, nổi mề đay, nổi cục u ở da, sưng phù), ho kéo dài, mắc các biểu hiện thần kinh (đau đầu, động kinh, cử động bất thường, rối loạn hành vi, yếu liệt tay chân), đau khớp, sốt ói....
Theo TS.BS Trần Thị Hồng, nhiều khảo sát về bệnh ký sinh trùng nội tạng ở bệnh nhân người lớn có biểu lộ thần kinh, tổng kết bệnh do Toxocara chiếm tỷ lệ cao nhất. Riêng nghiên cứu của bà ở trẻ em cho thấy, trẻ từ 4 - 12 tuổi rất thường mắc bệnh có liên quan đến thần kinh do nhiễm giun đũa chó mèo.
"Đa số bệnh nhi là những trẻ có hành vi nguy cơ như tiếp xúc với chó mèo, tiếp xúc với đất... Trẻ đi mẫu giáo, hay nhà trẻ thường thích nghịch đất, ăn đất, ngậm liếm đồ chơi, mút tay. 30% trẻ ở lứa tuổi này thường xuyên đưa tay vào miệng. Còn các trẻ lớn hơn thì lại chơi nhiều trò chơi tiếp xúc với đất như đá banh, bồng bế chó mèo...," TS. Hồng cho biết.
Ở người lớn, bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trong độ tuổi lao động. Bệnh thường xảy ra ở những người không rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với đất, chơi và ẵm bồng chó mèo.
Nếu có thể, chỉ nên cho trẻ chơi ở những nơi không có chó mèo lui tới. Người lớn phải giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn. Đối với các chó mèo được nuôi như vật cưng trong nhà, chúng ta cần phải xổ giun định kỳ cho chó mèo.