Dầu thực vật brom hóa là gì?

  •  
  • 406

Dầu thực vật brom hóa là một phụ gia thực phẩm gây tranh cãi. Nó bị cấm ở châu Âu và Nhật Bản nhưng vẫn được phép dùng ở Mỹ.

Dầu thực vật brom hoá (viết tắt là BVO - Brominated vegetable oil) là 1 phụ gia thực phẩm, là một hỗn hợp phức tạp của chất béo trung tính có nguồn gốc thực vật đã được tạo phản ứng hóa học để chứa các nguyên tử của nguyên tố brom liên kết với các phân tử. Dầu thực vật brom hóa được sử dụng chủ yếu để giúp nhũ hóa nước giải khát có vị cam quýt, giữ cho hương vị cam quýt không bị tách ra trong nước ngọt và các loại đồ uống khác.

Chất phụ gia này đã được sử dụng trong ngành công nghiệp nước giải khát từ năm 1931, thường ở mức khoảng 8 ppm trong soda và các đồ uống thể thao. Nó còn được sử dụng như một chất chống cháy. Hầu hết mọi người đều biết rằng soda có chứa chất tạo ngọt và cacbonat, nhưng họ có thể không biết nó còn chứa BVO, một chất phụ gia thực phẩm bị cấm ở châu Âu nhưng được phép sử dụng ở Mỹ. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn đang đánh giá về độ an toàn của thành phần này, và vẫn cho phép sử dụng nó trong lúc tiến hành điều tra kĩ hơn. Theo USA Today, Coca Cola và Pepsi đã tuyên bố loại bỏ BVO khỏi sản phẩm.

Dầu thực vật brom hóa là là 1 phụ gia thực phẩm.
Dầu thực vật brom hóa là là 1 phụ gia thực phẩm.

Loại dầu thực vật được sử dụng để brom hóa và tạo ra BVO phải đạt tỷ trọng riêng là 1,33g/mL, lớn hơn đáng kể so với nước (1g/mL). Loại dầu này có thể được trộn với các chất tạo hương vị ít đậm đặc hơn như dầu hương cam quýt để tạo ra một loại dầu kết quả, có tỷ trọng sánh với nước hoặc các sản phẩm khác. Các giọt chứa trong dầu thực vật brom hoá (BVO) vẫn lơ lửng trong nước thay vì tách ra và nổi trên bề mặt.

Các chất phụ gia thực phẩm thay thế được sử dụng cho mục đích tương tự bao gồm: Sucrose axetat isobutyrat (SAIB, E444) và este glixerol của nhựa thông gỗ (gôm este, E445).

Tại sao BVO gây lo ngại về sức khỏe?

Những lo ngại về sức khỏe về BVO bắt nguồn từ một trong những thành phần của nó, brom. Brom có thể gây kích ứng da và niêm mạc, chẳng hạn như: Niêm mạc ẩm của mũi, miệng, phổi và dạ dày.

Các hợp chất brom hóa có liên quan đến nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, bao gồm cả tác hại đối với hệ thần kinh. BVO có thể tích tụ trong cơ thể, và nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống một lượng lớn nước ngọt có chứa BVO trong thời gian dài và các vấn đề như đau đầu, kích ứng da và niêm mạc, mệt mỏi, mất phối hợp cơ bắp và trí nhớ.

Những rủi ro của BVO đã được biết đến trong nhiều thập kỷ. Một nghiên cứu năm 1980 cho thấy rằng những con chuột tiêu thụ BVO tới 2% trong chế độ ăn uống của chúng cho thấy tác hại đáng kể đến sinh sản. Một nghiên cứu trước đó thậm chí còn chỉ ra rằng những con chuột ăn chế độ ăn có ngô, hạt bông, ô liu hoặc dầu mè được brom hóa cho thấy những thay đổi đối với tim và gan. Và trong một trường hợp, một người đàn ông tiêu thụ 8 lít Ruby Red Squirt hàng ngày trong vài tháng đã phát triển các nốt sần trên bàn tay và ngón tay.

Ngưỡng sử dụng an toàn của dầu thực vật brom hoá (BVO)

Dầu thực vật brom hoá (BVO), có thể được xác định bằng Hệ thống Đánh số Quốc tế (INS) số "443", được sản xuất từ dầu thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu đậu nành và dầu ngô có bổ sung brom. Nó được sử dụng như một chất nhũ hóa và chất ổn định trong đồ uống có hương vị trái cây. Nó giúp giữ cho các loại dầu hương vị, chẳng hạn như dầu cam quýt, ở dạng huyền phù trong đồ uống, mang lại sự ổn định và không bị vẩn đục cho sản phẩm.

Dầu thực vật brom hoá (BVO) chủ yếu được sử dụng trong đồ uống có hương vị trái cây để giữ cho dầu hương vị ở dạng huyền phù và làm cho sản phẩm có dạng đục.

Tính an toàn của dầu thực vật brom hoá (BVO) đã được đánh giá bởi Ủy ban chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) vào năm 1970. Các nghiên cứu về độc tính ngắn hạn chỉ ra rằng liều lượng cao của dầu thực vật brom hoá (BVO) có thể gây ra các tổn thương thoái hóa tim ở động vật thí nghiệm.

Ngoài ra, sự tích tụ lipid và brom liên kết với lipid đã được thể hiện trong mô mỡ và trong chất béo nội bào của nhiều mô khác nhau ở người và động vật thí nghiệm. Không có nghiên cứu về độc tính lâu dài tại thời điểm đánh giá. JECFA đã không thiết lập Lượng tiêu thụ hàng ngày được chấp nhận (ADI) cho dầu thực vật brom hoá (BVO), và kết luận rằng dầu thực vật brom hoá (BVO) không nên được sử dụng làm phụ gia thực phẩm nếu không có bằng chứng cho thấy sự an toàn của nó. JECFA đã không đánh giá lại dầu thực vật brom hoá (BVO) sau đó.

Từ năm 1958, FDA đã phân loại BVO là "thường được công nhận là an toàn" hoặc GRAS, cho phép sử dụng thành phần này mà không có bất kỳ yêu cầu nào về việc nó phải được xem xét về độ an toàn theo nghiên cứu khoa học mới. Năm 1970, chỉ định đó đã bị rút lại, nhưng theo yêu cầu của một nhóm công nghiệp, FDA đã đồng ý cho phép BVO trong đồ uống có hương vị trái cây như một chất ổn định. Năm 1977, FDA đã cho phép tạm thời sử dụng nó như một chất phụ gia thực phẩm với nồng độ lên đến 15 phần triệu - một chỉ định hiện đã kéo dài hơn 30 năm.

Ngày nay, luật pháp cho phép các nhà sản xuất phụ gia thực phẩm tự quyết định thành phần GRAS của họ mà không cần yêu cầu họ phải thông báo cho FDA.

Vì vậy, mặc dù BVO bị cấm ở châu Âu và Nhật Bản, nhưng người tiêu dùng Mỹ phải đảm bảo những gì họ đang uống không chứa BVO. Vào năm 2013, một thiếu niên Mississippi đã bắt đầu một bản kiến nghị trực tuyến về việc ngừng sử dụng BVO trong đồ uống thể thao, thu hút 200.000 người ủng hộ trực tuyến. PepsiCo sau đó đã cam kết loại bỏ BVO khỏi Gatorade. Một phát ngôn viên của PepsiCo cho biết kể từ đầu năm 2020, công ty không còn sử dụng BVO trong bất kỳ sản phẩm nào của mình. Coca-Cola cũng đã tuyên bố loại bỏ BVO khỏi tất cả các loại đồ uống của hãng.

Khi lựa chọn các loại đồ uống đóng chai/lon, bạn nên kiểm tra nhãn thành phần và không uống một lượng lớn đồ uống có chứa dầu thực vật brom hoá (BVO). Tốt hơn hết, hãy tiến thêm một bước nữa và cắt giảm tất cả đồ uống có đường. Thay vào đó, hãy chọn những lựa chọn lành mạnh hơn, chẳng hạn như: Nước, sữa ít béo và thỉnh thoảng uống một ly nước ép trái cây nguyên chất 100%.

Cập nhật: 19/03/2021 Theo VnReview
  • 406