Đây là cách mới để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất

  •  
  • 1.079

Bằng cách tìm kiếm các phân tử ngay trên Trái đất, giới nghiên cứu hy vọng tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài không gian.

Trong lần nguyệt thực toàn phần gần đây nhất, kính Hubble đã nghiên cứu bầu khí quyển Trái đất bằng cách sử dụng Mặt trăng như một tấm gương.

Lần nguyệt thực này mang đến cho các nhà thiên văn cơ hội thử nghiệm kỹ thuật quan sát mới trên mục tiêu quen thuộc là Trái đất. Kỹ thuật này có thể đo nồng độ ozone trong bầu khí quyển Trái đất, bên cạnh việc tìm kiếm sự sống trên các ngoại hành tinh.

Các nhà thiên văn đã dùng Mặt trăng như tấm kính phản chiếu khi ánh sáng Mặt Trời đi qua bầu khí quyển Trái đất.
Các nhà thiên văn đã dùng Mặt trăng như tấm kính phản chiếu khi ánh sáng Mặt trời đi qua bầu khí quyển Trái đất. (Ảnh: Hubble).

Vị trí Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng khi diễn ra nguyệt thực toàn phần cũng tương tự vị trí các hành tinh ngoại khi chúng đi ngang qua ngôi sao chủ nhìn từ phía Trái đất. Cách Hubble quan sát nguyệt thực toàn phần cũng tương tự các kính thiên văn thế hệ tiếp theo quan sát bầu khí quyển hành tinh ngoại.

“Việc tìm ra ozone trong quang phổ hành tinh ngoại rất quan trọng vì nó là sản phẩm phụ từ quá trình quang hóa phân tử oxy", nhà nghiên cứu Allison Youngblood thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Khí quyển và Không gian, trưởng nhóm nghiên cứu các quan sát của Hubble cho biết.

Trước đây, quan sát nguyệt thực toàn phần từ mặt đất đã được thực hiện nhiều lần nhưng Hubble là kính viễn vọng không gian đầu tiên chụp được ảnh. Đây cũng là lần đầu tiên người ta ghi nhận nguyệt thực toàn phần ở bước sóng cực tím. Quan sát này đã cho thấy hiện diện của ozone trong bầu khí quyển Trái đất.

Bản vẽ Kính viễn vọng không gian Hubble ở phía trước Mặt trăng khi diễn ra nhật thực
Bản vẽ Kính viễn vọng không gian Hubble ở phía trước Mặt trăng khi diễn ra nhật thực. (Ảnh: ESA).

Ozone là nhân tố quan trọng đối với sự sống, bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím. Qua hàng tỷ năm quang hợp, một lượng oxy nồng độ cao và tầng ozone dày được hình thành trong bầu khí quyển.

Các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm kỹ thuật quan sát quang phổ ở các bước sóng khác để tìm kiếm dấu hiệu của oxy, metan, carbon monoxide và nước.

“Một trong những mục tiêu chính của NASA là xác định các hành tinh có hỗ trợ sự sống. Nhưng làm thế nào biết được một hành tinh có thể sinh sống hay không? Đó là lý do cho việc phát triển các mô hình quang phổ Trái đất để phân loại bầu khí quyển ngoại hành tinh”, nhóm nghiên cứu cho hay.

Các nghiên cứu trước cho thấy có thể có một tỷ hành tinh giống Trái đất nằm rải rác trong Dải Ngân hà.

Kính viễn vọng không gian James Webb
Kính viễn vọng không gian James Webb dự kiến ra mắt năm 2021, có khả năng quan sát bầu khí quyển các ngoại hành tinh. (Ảnh: NASA).

Hubble từng quan sát bầu khí quyển các hành tinh khí khổng lồ như Mộc tinh. Tuy nhiên, những hành tinh đất đá tương tự Trái đất có kích thước nhỏ, bầu khí quyển mỏng hơn, ánh sáng đi qua các ngoại hành tinh này rất yếu, gây khó khăn cho việc quan sát.

Bằng cách tìm kiếm các phân tử có liên quan đến sự sống ngay trên Trái đất, giới nghiên cứu hy vọng tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài không gian.

Không giống các phương pháp xác minh tín hiệu vô tuyến, tìm kiếm các dạng khí tồn tại trong khí quyển ngoài Trái đất có thể giúp tìm thấy những dạng sống sơ khai, chưa thể phát triển công nghệ vô tuyến.

Cập nhật: 17/08/2020 Theo Zing
  • 1.079