Đây là loài động vật đầu tiên bị con người tận diệt đến tuyệt chủng

  •  
  • 2.111

Vào khoảng cuối những năm 1600, trong những khu rừng rậm rạp của Mauritius (quốc gia ở Ấn Độ Dương), loài động vật đầu tiên chính thức được ghi nhận tuyệt chủng bởi bàn tay con người đã trút hơi thở cuối cùng, theo Livescience.

Sau nhiều thế kỷ sống yên bình trong rừng rậm nhiệt đới ở Mauritius, chim cưu (hay còn gọi là chim Dodo) đã tuyệt chủng sau chưa đầy 100 năm, kể từ khi con người đặt chân tới nơi này.

Chim cưu – loài động vật đầu tiên được ghi nhận tuyệt chủng bởi con người.
Chim cưu – loài động vật đầu tiên được ghi nhận tuyệt chủng bởi con người. (ảnh: Livescience).

Vượt qua hàng triệu năm chọn lọc tự nhiên, nhưng chim cưu ở Mauritius không thể trụ nổi trước sự săn bắt quá mức của con người.

Vào khoảng những năm 1500, các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đã phát hiện đảo Mauritius. Họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy những con chim cưu, nặng từ 18 – 25 kg không hề biết sợ người. Chúng không biết bay, chạy bộ chậm chạp và dễ dàng bị bắt, giết thịt.

Kể từ đó, các tàu thuyền đi qua Ấn Độ Dương thường xuyên ghé vào Mauritius để bắt chim cưu làm thức ăn dự trữ. Vô số con chim cưu đã bị làm thịt trong thời gian này.

Chưa dừng lại ở đó, những nhà thám hiểm tới Mauritius còn mang theo cả các sinh vật ngoại lai như chuột, khỉ, lợn lòi. Những sinh vật ngoại lai tha hồ phá tổ và ăn trứng, chim cưu non, khiến loài này nhanh chóng tuyệt chủng.

Sự tuyệt chủng của chim cưu diễn ra quá nhanh, đến nỗi nhiều người ở châu Âu ngày nay coi chim cưu chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Những nhà thám hiểm thời kỳ đó cho rằng, chim cưu tuyệt chủng vì chúng quá béo, chậm chạp, lười biếng và ngốc nghếch. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời ngụy biện và muốn rũ bỏ trách nhiệm khi gây ra sự tuyệt chủng của một loài vật hiền lành trong thời gian ngắn, Livescience bình luận.

Chim cưu ở Mauritius đã quen với môi trường an toàn. Trước khi con người đặt chân tới Mauritius, chim cưu không phải đối mặt với loài thú ăn thịt nào. Chúng thường làm tổ và đẻ trứng ngay trên mặt đất.

Một số con chim cưu được các nhà thám hiểm mang tới châu Âu để trưng bày. Tuy nhiên, chúng vẫn không thoát khỏi kiếp nạn tuyệt chủng.

Chim cưu ngày này chỉ còn tồn tại trên các bức vẽ.
Chim cưu ngày này chỉ còn tồn tại trên các bức vẽ. (ảnh: Livescience).

Khi chim cưu bị tuyệt diệt, một loài bọ chuyên sống bằng phân của loài chim này ở đảo Mauritius cũng chịu chung số phận.

Sự tuyệt chủng của chim cưu là hồi chuông cảnh báo đầu tiên trên thế giới về trách nhiệm của con người đối với môi trường tự nhiên.

“Chim cưu to lớn, mập mạp và chậm chạp. Chúng đã quá quen với môi trường an toàn ở Mauritius. Sự tàn phá khủng khiếp của con người là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn tuyệt chủng của chim cưu. Không thể phủ nhận điều đó”, Julian Hume – nhà cổ sinh vật tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Anh – nhận xét.

Ông Hume cho rằng, có thể hàng chục nghìn năm về trước, sự phát triển của loài người đã khiến một số loài vật khác tuyệt chủng, nhưng chim cưu vẫn được xem là “nạn nhân” đầu tiên.

Không chỉ gây ra sự tuyệt chủng của chim cưu, loài người còn gán cho loài này tiếng xấu. Ở Bồ Đào Nha, từ “dodo” mang nghĩa là “ngu ngốc”. Ở một số quốc gia châu Âu, chim cưu cũng bị coi là biểu tượng của sự ngờ nghệch.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chim cưu không hề ngốc như người ta thường nghĩ. Chúng bị săn bắt dễ dàng bởi ở trên đảo Mauritius, chim cưu không phải đối mặt với bất cứ mối đe dọa nào trước khi con người xuất hiện. Chúng không ý thức được sự nguy hiểm diễn ra quá nhanh”, Eugenia Gold – chuyên gia từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Anh – cho biết.

Cập nhật: 14/10/2020 Theo sao.baophapluat
  • 2.111