Đề cao cảnh giác với bệnh tay chân miệng

  •  
  • 900

Bệnh tay chân miệng hiện nay đang gây nhiều lo lắng và hoang mang cho không ít các bậc phụ huynh, vì tình hình diễn biến phức tạp, số trẻ bị biến chứng nặng và tử vong khi mắc bệnh tăng từng ngày. Đây là loại bệnh lý truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa, việc đề cao cảnh giác trong phòng bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ con trẻ.

>>> Xuất hiện bệnh chân tay miệng tại Hà Nội

Bác sĩ khám một trường hợp bị bệnh tay chân miệng
Bác sĩ khám một trường hợp bị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng rất dễ xảy ra ở khu vực đông dân cư, thiếu vệ sinh

Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có 6.112 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 96,7% số ca bệnh) và đã có 17 trường hợp tử vong. Riêng tại TP.HCM, đã có 2.239 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chiếm hơn 1/3 số mắc của cả nước, trong đó có 11 trường hợp tử vong (chiếm 64,7% số tử vong cả nước).

Bệnh rất dễ lây nhiễm

Bệnh lây rất nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và nhóm trẻ sinh hoạt cùng nhà trẻ khi virút gây bệnh lây lan qua bàn tay, thức ăn đồ uống, sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ ăn uống bị nhiễm mầm bệnh. Mặc dù bệnh chủ yếu tấn công trẻ dưới 5 tuổi, nhất là nhóm trẻ 3 tuổi nhưng trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm: sốt, đau họng và nổi ban có bóng nước, biếng ăn, mệt mỏi… Khám họng trẻ phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bóng nước và tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban trên da với các tổn thương phẳng hoặc có thể gồ lên mặt da, một số hình thành bóng nước, thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân nên được gọi bằng cái tên dễ nhớ bệnh “tay - chân - miệng”. Tuy nhiên mụn nước có thể xuất hiện ở vùng mông, vùng khớp gối.

Bệnh dễ trở nặng và biến chứng khi nhiễm entero virút 71

Nhiễm bệnh do coxsackie virút A16 thường lành tính và tự khỏi sau 7 – 10 ngày, biến chứng thường ít xảy ra. Nhiễm bệnh do entero virút 71 có thể gây viêm màng não và hiếm hơn là các bệnh trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt (poliomyelitis-like paralysis). Viêm não do entero virút 71 có thể gây tử vong.

Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng bao gồm viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Biến chứng đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.

Bệnh có thể được chăm sóc trẻ và theo dõi tại nhà

Nên cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm bệnh, nếu được chỉ định chăm sóc tại nhà, phụ huynh cần thực hiện những điều sau đây:

- Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước. Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi 4 - 6 giờ, tuyệt đối không sử dụng aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng.

- Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

- Theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, thở mệt, gồng người tự hết, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện này cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa bệnh

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã làm vệ sinh cho trẻ.

- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi thường dùng của trẻ, lau sàn nhà bằng nước sạch, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%. Nên thực hiện mỗi tuần 1 lần.

- Đeo khẩu trang y tế khi ho hoặc hắt hơi.

- Không dùng chung các đồ dùng ăn uống của người bệnh.

- Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, thường ít nhất là 7 ngày.

Theo ThS.BS. Quang Minh (SKĐS)
  • 900