Để ngăn chặn HIV/AIDS hãy là những làn sóng…

  •   2,52
  • 2.225

Đừng để báo chí cô đơn trên hành trình phòng chống đại dịch HIV/AIDS. Báo chí là liều vaccine quan trọng để ngăn chặn AIDS nhưng một mình báo chí không thể tiêu diệt AIDS. HIV/AIDS chỉ bị loại trừ khi cả xã hội, từng gia đình và mỗi người ý thức được trách nhiệm của mình để chung tay góp sức phòng chống. Sự đồng lòng của cộng đồng, sự tuyên truyền thường xuyên sẽ là những làn sóng cần thiết để cuốn trôi HIV/AIDS...”. Những lời tâm sự của một nhà báo cũng là suy nghĩ chung của nhiều người khi tham gia Diễn đàn “Báo chí Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS” được tổ chức vào ngày 29/11.

Diễn đàn “Báo chí Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS” là một hoạt động diễn ra trong Tháng chiến dịch truyền thông phòng, chống AIDS năm 2007 do Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động. Đây cũng là hoạt động hướng đến ngày Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12/2007 với chủ đề: “Tăng cường lãnh đạo - Giữ vững cam kết - Quyết tâm ngăn chặn AIDS” do tổ chức Liên Hợp Quốc phát động.

Tham dự diễn đàn lần này có sự tham gia của đại diện Cục phòng chống HIV/AIDS, các thành viên Câu lạc bộ “Nhà báo Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS” và đông đảo nhà báo trong nước. Diễn đàn đã thực sự đi sâu vào thực chất của nhiều vấn đề và cũng là cơ hội để các nhà báo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS.


(Ảnh: Đức Minh

Muốn phòng chống HIV/AIDS hãy là những làn sóng…

Trong buổi giao lưu với các nhà báo tại Diễn đàn lần này, nhà báo Kim Ngân, chương trình “Người xây tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam đã có một suy nghĩ được đông đảo mọi người đồng tình: Để phòng chống HIV/AIDS không phải cứ là làm rầm rộ, tuyên truyền ầm ĩ trong một vài ngày là xong, việc làm ấy chỉ mang tính hình thức nhiều hơn là tạo ra được hiệu quả thực tế. Những ngày này chúng ta thấy đâu đâu cũng nói về HIV/AIDS nhưng sau khi tháng chiến dịch đi qua thì sẽ như thế nào? Sẽ chẳng ai còn nhắc đến AIDS và coi đó là việc của người khác. Chính vì thế hãy coi việc phòng chống HIV/AIDS cũng như việc tuyên truyền về nó là một việc làm thường xuyên, liên tục và có tính định hướng. Điều này nói như một nhà báo đã nêu trong buổi giao lưu là “nó như là những làn sóng, cứ con sóng nọ nối tiếp con sóng kia, đều đặn, liên tục, không ngơi nghỉ”. Điều này thực sự cần thiết và có ý nghĩa sống còn để chúng ta đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc phòng chống đại dịch AIDS.

Hiện nay, việc tuyên truyền cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam thường chỉ diễn ra “theo mùa” tức là sôi động và mạnh mẽ trong đợt chiến dịch còn sau đó gần như bị bỏ rơi. Tuyên truyền như thế vừa không tạo được hiệu quả vừa mang tính hình thức. Để khắc phục tình trạng này ngay từ bây giờ, chúng ta cần đưa ra một lộ trình làm việc cụ thể với những hoạt động truyền thông thường xuyên. Sự tuyên truyền có thể thực hiện dưới nhiều hình thức từ đối thoại, gặp gỡ trực tiếp, thông qua báo in, báo giấy, đài phát thanh đến truyền hình, báo điện tử …


Toàn cảnh Diễn đàn "Báo chí Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS

Đồng thời, đối với báo chí, việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS không có nghĩa là lên án thật mạnh, thật kêu, khiến mọi người sợ HIV/AIDS rồi sợ và xa lánh luôn… cả những người bị nhiễm HIV. Một thực tế hiện nay là việc tuyên truyền của báo chí nhiều khi đi vào vấn đề không sai nhưng tác dụng thì ngược lại. Chính vì thế, tạo ra một làn sóng liên tục nhưng làn sóng ấy phải được định hướng cụ thể và hợp lý. Những vấn đề mang tính tế nhị, những câu chuyện đầy ắp tinh thần nhân văn về những con người bị nhiễm HIV nhưng vẫn vươn lên sống tốt, sống đẹp, sống có ích cần được hướng đến nhiều hơn… cũng như việc tuyên truyền để mọi người hiểu, gần gũi và thực sự thông cảm sẻ chia với người nhiễm HIV là rất cần thiết.

Lăn vào thực tế và hành động…

Tuyên truyền phòng chống HIV nhưng nếu chúng ta chỉ nói và nói thì sẽ không có tác dụng. Những buổi giao lưu, thảo luận, những diễn đàn, những CLB được thành lập để phòng chống HIV/AIDS là cần thiết nhưng nếu mọi thứ chỉ diễn ra trong những phòng họp tráng lệ, bóng nhoáng thì sẽ chẳng đi đến được đâu. HIV/AIDS vẫn sẽ tồn tại và gia tăng ngoài xã hội. Vì thế điều mà các nhà báo trong Diễn đàn “Báo chí Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS” đưa ra rất chính xác là: Chúng ta phải lăn vào thực tế, phải đi sâu, đi sát vào những vùng, những làng AIDS, tiếp xúc, trao đổi với chính những người nhiễm HIV, xem họ cần gì và chúng ta có thể làm gì để giúp họ vượt qua nỗi đau.

Nhà báo Kim Ngân cùng nhiều đồng nghiệp trong buổi giao lưu đã chia sẻ về những chuyến đi thực tế tới những làng AIDS và tiếp xúc với những con người mang trong mình nỗi đau HIV. Đó là những chuyến đi vô cùng khó khăn bởi bản thân những người mắc bệnh mang cảm giác tự ti, trốn tránh - những cảm giác được tạo ra do chính tư tưởng khinh rẻ, xa lánh của cộng đồng đã tồn tại từ khá lâu nay đối với người nhiễm HIV. Vì thế, từng bước báo chí cũng như tất cả mọi người phải tháo gỡ dần bức tường ngăn cách ấy, đưa người nhiễm HIV trở về hoà nhập trong cộng đồng.


"Cho nhau niềm tin"

Nói như tâm sự của một bạn trẻ bị nhiễm HIV trong ban nhạc Hương Lúa rằng: “Điều chúng em mong mỏi nhất, khao khát nhất là được xã hội, được mọi người thông cảm, chia sẻ và đừng khinh rẻ chúng em. Chúng em cũng là con người, những người bị nhiễm HIV cũng là con người, cũng có cảm giác yêu thương và thù ghét như bất cứ ai vì thế chúng em mong được làm việc, được góp sức mình cho xã hội, được sống bình thường…”.

Trên hành trình đầy gian nan và thử thách này, báo chí chỉ là “một góc của cái tam giác lục lăng” cần có để thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS. Để không còn những nỗi đau HIV/AIDS, không còn những xóm làng thê lương ám ảnh vì AIDS thì báo chí cùng toàn xã hội phải thực sự có những hành động thiết thực và ngay lập tức. Để trong tương lai sẽ không còn ai nhắc đến AIDS cũng giống như sẽ không còn phải tổ chức những Diễn đàn phòng chống HIV/AIDS như ngày hôm nay…

Đức Minh

Theo VTV
  • 2,52
  • 2.225