Dù quen thuộc với độc giả toàn cầu bằng những “Rùa và Thỏ”, “Kiến và Châu chấu”…, song chẳng mấy ai biết một cách rõ ràng về Aesop – nhà văn sáng tạo và định hình thể loại truyện ngụ ngôn từ trước Công nguyên.
Tài kể chuyện đã giúp Aesop trở thành sứ thần của Hoàng đế Croesus. (Ảnh: Thecollector.com).
Ngụ ngôn Aesop là thể loại truyện truyền miệng có từ rất sớm, đóng vai trò giải trí và truyền tải các thông điệp đạo đức, lối sống một cách ngắn gọn. Nó có mặt trong mọi nền văn hóa và tương truyền, người đầu tiên sáng tạo ra hình thức văn chương này là Aesop, nhà văn Hy Lạp sống vào khoảng thế kỷ VII - VI trước Công nguyên.
Có 3 học giả cổ đại nhắc đến sự tồn tại của Aesop là sử gia Herodotus (484 - 425 TCN), triết gia Plutarchus (46 - 119 SCN) và người viết tiểu sử các triết gia Laertius (khoảng thế kỷ III SCN).
Mặc dù năm sinh và năm mất của Aesop do họ ghi chép lại có khác biệt, nhưng đều nằm trong khoảng năm 630 - 570 TCN. Có khả năng, Aesop chào đời tại Mesembria, Thrace, khi trưởng thành thì dần chuyển cư tới đảo Samos sinh sống.
Truyền thuyết về Aesop kể rằng, ông có ngoại hình cực kỳ xấu xí, đầu to, mắt ốc nhồi, bụng ngấn mỡ, chân vòng kiềng, dáng lùn, da ngăm… đến nỗi bị xem là “tạo tác bị lỗi của thần Prometheus, nặn ra khi đang nửa mê nửa tỉnh”. Có thể, vì quá tự ti nên thuở nhỏ, Aesop không dám giao tiếp với ai, cuối cùng bị đồn đại là người câm.
Thế nhưng, Aesop rất thông minh. Một lần, bị 2 kẻ ăn cắp sung lợi dụng việc bị câm mà đổ thừa tội, dù không thể lên tiếng biện minh, Aesop biết uống đầy một bụng nước, sau đó nôn hết mọi thứ trong dạ dày ra cho mọi người thấy rằng mình không hề ăn cắp sung.
Nhiều truyện ngụ ngôn của Aesop lấy các vị thần trên đỉnh Olympia làm nhân vật. Rất có thể, nhà văn này vô cùng sùng kính các vị thần và chính sự sùng kính ấy đã khiến ông dần dám thốt lên tiếng nói, kể ra những câu chuyện do chính mình sáng tạo.
Có một câu chuyện truyền miệng kể rằng, một ngày nọ, khi Aesop vẫn đang bị câm đi trên đường vô tình gặp nữ tư tế của thần điện nữ thần Isis bị lạc. Để chỉ đường cho nàng, Aesop buộc phải lên tiếng và hành động tử tế của nhà văn tương lai đã khiến nữ tư tế kia cảm động, đền đáp bằng việc dạy cách xây dựng câu chuyện và kể chuyện.
Theo nhà triết học Himerius (315 - 386 SCN), Aesop có chất giọng uyển chuyển nhưng hơi cao, gần với âm vực của giọng nữ. Nguyên nhân có lẽ vì quá nhiều năm không mở miệng nói, khiến cơ họng, dây thanh âm phát triển muộn và biến dị.
Càng về sau, các học giả cổ đại càng ít đề cập đến ngoại hình của Aesop. Tuy vẫn thừa nhận ông rất xấu, nhưng họ có xu hướng không dè bỉu và dần dà xây dựng hình tượng Aesop như một lão niên thông thái.
Trong các câu chuyện kể về Aesop, có chung một điểm là đều cho rằng ông xuất thân nô lệ. Trước CN, Hy Lạp có 2 kiểu nô lệ: Sinh ra đã là nô lệ (con cháu của nô lệ) và vì hoàn cảnh mà bị biến thành nô lệ. Sử gia Herodotus tin rằng, Aesop thuộc kiểu nô lệ thứ 2.
Ông bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh ở Thrace cùng với kỹ nữ lừng danh đương thời là Rhodopis, người sẽ kết hôn với vua Ai Cập và trở thành nguyên mẫu của “Công chúa Lọ Lem”.
Một số nguồn khác thì cho rằng, Aesop là con của cặp vợ chồng nô lệ thuộc quyền sở hữu của một triết gia tên Xanthus. Sau này, ông bị chủ bán cho người tên là Iadmon và cuối cùng được trả tự do vì ông chủ mới cảm khái nhân tài.
Cũng có câu chuyện kể, Aesop được chính chủ nhân đầu tiên là Xanthus phóng thích. Ngoài ra, còn câu chuyện khác nói rằng, Xanthus bằng mọi cách giữ chân Aesop. Nhờ khôn ngoan, lập luận logic, Aesop thành công khiến giai cấp cầm quyền ép Xanthus trao trả tự do và lấy được quyền công dân.
Lý do Aesop nhất định phải có được tự do là vì, chỉ có công dân tự do mới được phép trở thành diễn giả, người thuyết trình và kể chuyện trước đám đông. Kể từ khi thoát khỏi cuộc đời nô lệ, Aesop đã lên đường chu du, đi đến nhiều nơi, kể chuyện và tư vấn cho những công chúng cần sự giúp đỡ.
Cha đẻ truyện ngụ ngôn Aesop, tranh của Diego Velázquez (1599 - 1660). (Ảnh: Thecollector.com).
Càng trải qua nhiều thế kỷ, những câu chuyện về xuất thân và cuộc đời của Aesop càng nhiều lên và mông lung thêm. Thế kỷ XIII, học giả Đế quốc Đông La Mã, Maximus Planudes (1260 - 1305) đã tổng hợp các ghi chép thời trước về Aesop và biên tập thành tác phẩm văn học hư cấu Chuyện tình Aesop (The Aesop Romance).
Dựa vào cái tên Aesop, Planudes khẳng định cha đẻ truyện ngụ ngôn đến từ châu Phi, cụ thể là người gốc Ethiopia (quốc gia ở Đông Phi). Bởi vì, phát âm từ Aesop rất giống với từ Aehiopian, tên của Ethiopia trong tiếng Hy Lạp.
Khẳng định của Planudes được nhiều người ủng hộ, vì trong truyện ngụ ngôn Aesop có nhiều động vật không phải bản địa Hy Lạp như voi, lạc đà, vượn. Tuy nhiên, một số người vẫn gạt đi, cho rằng Aesop biết đến những động vật châu Phi này là nhờ nghe được các câu chuyện truyền miệng từ Ai Cập và Libia.
Bất chấp lời giải thích trên, thế kỷ XVIII - XIX, Vương quốc Anh quả quyết Aesop là người châu Phi. Trong bộ sưu tập Ngụ ngôn Cổ đại và Hiện đại (Fables Ancient and Modern) của William Godwin (1756 - 1836), Aesop được minh họa là người da đen, ghi danh xuất thân Ethiopia. Một số điêu khắc gia Anh đã đúc tượng Aesop da đen, giới đúc tiền cũng đúc đồng xu chân dung Aesop da đen.
Ngày nay, các học giả kịch liệt phản đối việc lấy phát âm tên của Aesop làm cơ sở ấn định nguồn gốc của ông. Dù không thể khẳng định gốc gác của Aesop nhưng, có thể biết nơi kết thúc hành trình diễn giả của ông là Delphi.
Aesop và các chủ nhân, tranh của Francis Barlow (1626 - 1704). (Ảnh: Thecollector.com).
Sau nhiều năm kể chuyện và giúp đỡ mọi người, tiếng tăm của Aesop đã vang đến tai Hoàng đế Croesus (thế kỷ VII - VI TCN). Bị ấn tượng trước khả năng diễn thuyết của Aesop, Croesus quyết định cho ông làm sứ thần.
Với nhiệm vụ giao bang, Aesop đi đến các thành đô và thành công giúp Croesus gây dựng quan hệ ngoại giao. Cuối cùng, Croesus giao cho Aesop công việc khó khăn nhất là vượt biển đến Delphi, kết giao với người Delphian.
Aesop đã lên đường đến Delphi với rất nhiều vàng bạc nhưng, ông cũng sớm thất vọng vì người Delphian vừa tham lam vô độ vừa thiếu tôn kính đối với các vị thần mà Hy Lạp sùng bái. Tức giận, ông gửi hết vàng về cho Hoàng đế Croesus và bị người Delphian thù địch, ném xuống vách đá, tử vong.