Một bức tường vĩ đại đang được hình thành, nhưng chúng không hề chia cắt một vùng lãnh thổ nào hết. Mà chính xác, chúng chính là cứu tinh cho châu Phi.
Có thể bạn không tin nhưng đây là sự thật! 20 quốc gia châu Phi đang chung tay xây dựng "Great Green Wall - Bức tường xanh vĩ đại". Đây được xem là một dự án khủng đầy tham vọng khi quyết định trồng hàng loạt các loài cây chịu hạn, phủ xanh sa mạc.
Bức tường xanh sẽ chạy dọc châu Phi hơn 8.000km. Bắt đầu từ Sahel (ranh giới của sa mạc Sahara) đến sát Biển Đỏ.
Nguyên cớ chính là do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trước đây, khu vực Sahel vốn vô cùng xanh tốt với các tràng cỏ phát triển đa dạng. Tuy nhiên, với sự nóng lên của Trái đất đã làm mở rộng thêm sa mạc Sahara. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mảng xanh của Sahel ngày càng thu hẹp.
'
Vì biến đổi khí hậu, châu Phi đã quyết định thực hiện dự án "khủng" này.
"Hơn bất cứ nơi nào khác trên Trái đất, Sahel đang là điểm nóng của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hàng triệu người dân sinh sống ở khu vục này từng ngày phải đối mặt với sự tàn phá khủng khiếp đó," - dẫn theo Greatgreenwall.
Thời tiết khô hạn và diện tích rừng bị giảm làm đất bạc màu, gây khủng hoảng lương thực tại khu vực này. Không dừng lại ở đó, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng di cư diễn ra ồ ạt, khi người dân muốn tìm những khu vực tốt hơn để sống. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường về nhà ở, lương thực và cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Vì thế sau nhiều thời gian nghiên cứu, vào năm 2007, 11 quốc gia châu Phi đã đồng loạt ký kết tham gia dự án đầy tham vọng mang tên "Bức tường xanh vĩ đại" nhằm tái phát triển rừng, chống tình trạng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng ở vùng Sahel.
Người dân châu Phi trồng cây, thực hiện dự án bức tường xanh vĩ đại.
Một tin đầy khả quan đó là tính đến thời điểm hiện tại, có tới 20 quốc gia cũng nhau chung tay thực hiện chiến dịch nhân văn này. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), diện tích bức tường xanh phủ rộng khoảng 780 triệu ha đất khô cằn – nơi sinh sống của hơn 232 triệu người.
Từ đàn ông đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em đều chung tay tham gia trồng hàng loạt cây chịu hạn. Đồng thời, họ cũng liên tục trồng các loại rau, trái cây để sử dụng. Ước tính cho thấy, chỉ hơn 10 năm bắt đầu dự án, bức tường xanh đã hoàn thiện được khoảng 15%.
Cảnh quan khô cằn của khu vực đang được thay thế dần bởi những mảng xanh cây cối tươi tốt và phì nhiêu. Điều này cũng góp phần to lớn vào việc giảm suy thoái và sa mạc hóa cho môi trường. Vùng đất màu mỡ đang trở lại cũng đồng nghĩa cuộc sống người dân nơi đây đang dần khởi sắc. Họ đã tìm thấy được nguồn lương thực, nguồn nước.
Từ đàn ông đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em đều chung tay tham gia trồng hàng loạt cây chịu hạn.
Nhìn ở khía cạnh khác, việc mọi người chung tay tham gia dự án đã thúc đẩy, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới khi phụ nữ cũng là một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng bức tường xanh.
Dự tính sau khi hoàn thành, "Bức tường xanh vĩ đại" sẽ là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh, gấp ba lần diện tích của rạn san hô Great Barrier.
Tiến sĩ Dlamini Zuma, chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, cho biết: "Thế giới có nhiều kỳ quan, nhưng Có nhiều kỳ quan thế giới, nhưng Great Green Wall sẽ là độc nhất. Đặc biệt, mọi người đều có thể trở thành là một phần trong lịch sử xây dựng bức tường vĩ đại này".
"Cùng nhau! Chúng ta có thể thay đổi tương lai của môi trường và cuộc sống châu Phi ở Sahel" - bà chia sẻ.