Động vật có vú cỡ nhỏ cắn xương khủng long

  •  
  • 1.198

Các nhà khoa học đã không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện dấu răng của một loài động vật có vú sống cách đây 75 triệu năm trên mảnh xương sườ̉n của một loài khủng long lớn.

Những con vật có kích cỡ chỉ bằng con sóc lại dám nhấm nháp... xương của loài khủng long, trong đó có khủng long ba sừng (Triceratops), để lại những vết răng nham nhở trên xương của loài vật bị tuyệt chủng này.

Phát hiện trên được hai nhà cổ sinh vật học Nicholas Longrich, Đại học Yale ở New Haven, và Michael Ryan, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland ở Ohio, đăng trên Tạp chí “Cổ sinh vật học” số ra tháng 6.

Những vết cắn có niên đại khoảng 75 triệu năm - cách không xa thời điểm loài khủng long sinh sống. Đây là những dấu răng cổ nhất của động vật có vú được tìm thấy tính đến nay. Điều này càng chứng minh rõ hơn lý thuyết cho rằng khi loài khủng long đi đến bờ vực suy thoái mới là lúc các loài động vật có vú lớn hơn xuất hiện.

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy những vết răng này tại một điểm khai quật ở Canada, cũng như qua phân tích các bộ sưu tập xương ở trường đại học và bảo tàng ở đây.

Tất cả những mảnh xương mà các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích đều đến từ khu vực núi đá ở Nam Alberta, một vùng bình nguyên rộng lớn hiện chia Bắc Mỹ thành một nửa như ngày nay. Đới khí hậu ấm áp đã tạo ra những thay đổi lớn lao của hệ động thực vật, trong đó có loài khủng long, chim, thằn lằn bay, cá sấu, rùa, thằn lằn và động vật có vú.

Tất cả những vết cắn trên đều chỉ có chiều dài chừng 4-7mm và chiều rộng 1 mm, chứng tỏ chúng do một loài động vậy gặm nhấm gây ra. Các vết cắn sát nhau do một cặp răng cửa, cho thấy đây là của một loài động vật có vú.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nghi ngờ chúng do các loài gặm nhấm có tên khoa học là multituberculate. Tuy nhiên, các vết cắn không hề trùng khớp với bất cứ vết cắn của bất kỳ loài gặm nhấm hiện đang sống trên Trái Đất, chứng tỏ loài gặm nhấm này xuất hiện vào thời điểm tồn tại của những con khủng long to lớn./.

Theo Vietnam+
  • 1.198