Đoạn tường phía bắc Vạn lý Trường thành không phải được xây dựng để ngăn quân xâm lược mà để canh gác cư dân ra vào thành và thu thuế.
Một đoạn Vạn lý Trường thành ở Bắc Kinh. (Ảnh: Wiki).
Khi các nhà nghiên cứu Israel lần đầu tiên lập bản đồ đầy đủ đoạn tường phía bắc dài 740km của Vạn lý Trường thành, phát hiện của họ đi ngược những giả định trước đây. "Trước nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn mọi người cho rằng mục đích xây tường là ngăn quân của Thành Cát Tư Hãn", nhà khảo cổ Gideon Shelach-Lavi ở Đại học Hebrew tại Jerusalem, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, đoạn tường phía bắc nằm phần lớn ở Mông Cổ, chạy qua những thung lũng và tương đối thấp nên không có lợi cho mục đích quân sự như ngăn cản kẻ thù. Kết luận của nhóm nghiên cứu là đoạn tường này giúp quan quân canh gác hoặc ngăn dân cư và gia súc ra vào, có thể nhằm thu thuế. Người dân có thể đi qua đoạn tường để tìm những đồng cỏ ấm áp hơn ở phương nam trong thời kỳ khí hậu lạnh giá kéo dài.
Quá trình xây dựng Vạn lý Trường thành, công trình gồm nhiều đoạn tường với tổng chiều dài hàng nghìn kilomet, bắt đầu vào thế kỷ 3 trước Công nguyên và diễn ra trong vài trăm năm. Đoạn tường phía bắc còn được gọi là "tường Thành Cát Tư Hãn" được xây trong khoảng thế kỷ 11 - 13 bằng đất nện và gồm 72 tháp canh.
Shelach-Lavi và cộng sự đến từ Israel, Mông Cổ và Mỹ sử dụng drone, ảnh vệ tinh độ phân giải cao và công cụ khảo cổ để lập bản đồ đoạn tường. Họ công bố phát hiện trên số tháng 6/2020 của tạp chí Antiquity.