Theo hãng nghiên cứu Gartner, sản lượng máy tính đã tăng 13,1% trong quý đầu năm nay nhờ nhu cầu cao từ những thị trường mới nổi. Tổng cộng, 57 triệu PC, máy xách tay và máy chủ x86 đã được phân phối tới người tiêu dùng.
Tổ chức nghiên cứu IDC cũng công bố kết quả tương tự, dù số liệu cụ thể có đôi chút khác biệt.
Tuy nhiên, Dell, hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, lại trải qua 3 tháng không thực sự thành công. Công ty có trụ sở tại Texas này chỉ tăng thêm được 10,2% doanh số so với quý I/2005, do đó thị phần toàn cầu của họ giảm từ 16,9% xuống còn 16,5%. Tính riêng ở Mỹ, sản lượng máy tính Dell cũng chỉ xê dịch 0,2%, trong khi mức tăng trưởng bình quân là 7,4%, bởi vậy họ chỉ chiếm 29,8% thị trường (trước đó là 32%).
Theo chuyên gia Charles Smulders của Gartner, sự tụt dốc đáng chú ý này là do Dell đã đạt tốc độ phát triển nhanh hơn mặt bằng chung của thị trường máy tính trong nhiều năm. Họ chưa từng xuất xưởng PC chậm như thế kể từ quý III/2001. "Có thể doanh số của Dell đã lên đến đỉnh điểm. Ngoài ra, họ quá tập trung vào Intel trong khi các đối thủ cạnh tranh khác đã dần chấp nhận sản phẩm của AMD và liên tục hạ giá thành thiết bị", Smulders nhận xét.
Công ty đối thủ Hewlett-Packard đã tăng 22,3% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, thị phần của họ nâng lên 14,9% trong quý I từ 13,8% cách đây một năm. HP hiện chiếm 18,5% thị trường máy tính Mỹ.
Acer, xếp thứ 4, đã trở thành công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất toàn cầu trong quý I/2006. Hãng sản xuất Đài Loan này đã tăng tới 45% sản lượng và giành 5% thị phần trên toàn thế giới. Lenovo đứng thứ 3 với 6% thị phần.
Gartner cũng nhấn mạnh rằng, trong lĩnh vực thiết bị xử lý, AMD vẫn đang mở rộng thị phần mà họ giành được từ Intel trong suốt 7 quý liên tiếp.