Người dân chỉ cần thu gom và mang những chiếc vỏ chai nhựa và hộp sắt tái chế đến những chỗ đặt máy Itrash Booth, tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và bán chỗ phế liệu ấy cho chiếc máy, là họ có thể nhận lại tiền.
Tuy nhiên, số tiền họ nhận được không phải là tiền mặt mà sẽ được chuyển thẳng vào thẻ giao thông thông minh cá nhân của họ, một loại thẻ tích hợp các phương tiện giao thông công cộng.
iTrash Booth phục vụ 24/7. Chỉ cần gom rác tới đây để đổi, người đổi sẽ nhận lại tiền trong thẻ giao thông công cộng của mình.
Chiếc máy đặc biệt này có tên iTrash booth, có thể tiếp nhận khoảng 200kg hộp và chai tái chế.
Cô Huang, 45 tuổi người dân sống gần nơi lắp đặt iTrash Booth, mang chai lọ nhựa thu gom được đến đây, để thử chiếc máy kỳ diệu mà người ta vẫn truyền tai nhau này.
“Đây là lần đầu tiên tôi dùng chiếc máy này. Nhà tôi cũng ở gần đây thôi. Tôi muốn tích điểm vào thẻ EasyCard của mình và cũng muốn góp phần bảo vệ môi trường. Đúng là nhất cử lưỡng tiễn. Tôi thấy chiếc máy này rất tiện lợi”, cô Huang cho biết.
Những quầy đổi rác lấy tiền iTrash booths có kích thước như máy bán hàng tự động, được thiết kế có thể tự động ép các loại rác thải tái chế. Thậm chí những máy thông minh này còn tỏa ra hương thơm khi nạp tiền vào thẻ giao thông và in biên lai cho người đổi.
Sáng kiến này nhằm thúc đẩy xu hướng sử dụng đồ tài chế tại Đài Loan, đồng thời tạo thuận tiện cho người dân trong phân loại, xử lý các loại rác thải gia đình tại thành phố 2,67 triệu dân này.
“Mỗi chiếc máy này có thể tiếp nhận khoảng 200kg rác thải. Chúng tôi định lắp đặt ở thành phố Đài Bắc 10.000 chiếc máy như thế để người dân Đài Bắc có thể tái chế ngay tại đây. Tới lúc đó, dịch vụ đổi rác lấy tiền của Itrash Booth chắc chắn còn hoàn thiện hơn, và trở thành một trong những yếu tố giúp Đài Bắc trở thành một thành phố thông minh”, ông Jewel Liu, phó giám đốc công ty TNHH Khoa học môi trường Hao-Yang, công ty chế tạo iTrash Booth cho biết.
Do thiếu điểm tập kết rác cũng như việc tiêu hủy rác bị hạn chế, người dân tại Đài Loan buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để phân loại rác thải, như giấy, chất dẻo, kim loại và rác bếp ăn... Cùng lúc, họ không thể đem rác ra ngoài đường để vứt vì sẽ bị phạt rất nặng. Trong khi đó, nhiều người thường bị lỡ giờ thu gom rác. Bởi thế, iTrash được xem là một giải pháp cho vấn đề trên.
Mỗi chiếc máy iTrash Booth này có thể tiếp nhận khoảng 200kg rác thải. iTrash Booth hiện nhận được sự phản hồi rất tích cực từ phía người dân.
Người dân ở Đài Bắc có thể tới đổi rác để lấy tiền 24/7 tại iTrash Booth. Điều này khiến cho các cư dân ở đây rất phấn khởi. Bởi Đài Loan là một trong những nơi rất khó đổ rác.
“Tôi nghĩ rằng chiếc máy này đem lại đến sự thuận lợi. Chẳng hạn, tôi thường tan làm lúc 8 hoặc 9 giờ tối, trong khi xe thu gom rác lúc đó không còn hoạt động nữa. Nhiều lần tôi phải chất rác trong nhà nhiều ngày liền với mùi rất khó chịu. Nhưng giờ có iTrash booth rồi, tôi có thể vứt rác bất cứ lúc nào. Đổi lại, tích cực “bán” rác, tôi còn có tiền trong thẻ giao thông nữa chứ. Máy cũng rất dễ sử dụng”, anh Hsu, một kỹ sư điện 38 tuổi cho biết.
Đại diện công ty TNHH Khoa học môi trường Hao-Yang, công ty chế tạo iTrash Booth cho biết, phản hồi từ phía người dân về iTrash Booth rất tích cực. Thậm chí, nhiều ý kiến còn mong muốn công ty nhanh chóng nhân rộng mô hình này trên toàn Đài Loan.
Đài Loan từng được đặt biệt danh là Đảo Rác vì khi đi đâu cũng thấy rác. Trước bối cảnh đó, chính quyền Đài Loan đã quyết định cải tổ lại hệ thống đổ rác cũng như vận động, giáo dục người dân phân loại và tuân theo giờ giấc đổ rác. Từ từ, mọi người không còn khó chịu nữa mà vui vẻ chấp hành theo.
Với người dân, rác sinh hoạt, họ sẽ tự phân loại riêng ra theo các loại: Đổ thuỷ tinh, giấy, lon chai kim loại, rác thải không tái chế, … Và mỗi ngày, vào thời gian cố định sẽ có 2 xe chở rác tới, mọi người tập trung ra địa điểm để đổ rác. Trong đó, một chiếc xe màu vàng để gom rác không tái chế và một xe màu trắng để rác tái chế. Thực tế, luôn có người đứng hỗ trợ nếu ai đó không biết bỏ vào đâu hoặc không đủ sức để tự đổ rác.
Theo thống kê, tỉ lệ tái chế ở Đài loan là 55% nằm trên top 10 trên thế giới, hơn cả Mỹ và Nhật Bản.