Đồng bằng sông Cửu Long: Sốt xuất huyết, thủy đậu lan tràn

  •  
  • 306

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Trẻ em mắc bệnh thủy đậu rồi lây cho cả người lớn. Tỉnh Đồng Tháp, 700 ca bệnh sốt xuất huyết...

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, 2 tháng qua, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 250 ca bệnh thủy đậu. Trong đó, huyện Cai Lậy có 140 ca, các huyện còn lại mỗi nơi từ 7-10 ca. Đa số bệnh nhân thủy đậu đều là học sinh.

Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, bệnh thủy đậu cũng đã xuất hiện nhiều nơi kể từ sau Tết. Phần lớn người mắc bệnh là trẻ em.

Một cơ sở khám bệnh tư nhân ở phường 5, thị xã Trà Vinh cho biết hai tuần qua, mỗi ngày cơ sở này khám khoảng 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Trong số đó, trẻ em chiếm khoảng 90%, tăng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tiêm ngừa thủy đậu cho trẻ. (Ảnh: Đinh Thành/ báo Cần Thơ)

Còn ở Sóc Trăng, chị Nguyễn Thị Diện, ở đường Lê Hồng Phong, TP Sóc Trăng cho biết đã lây bệnh từ đứa con trai 6 tuổi.

Theo ngành y tế, do thiếu thông tin về bệnh này, một số bệnh nhân đã không thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ điều trị nên nguy cơ lây lan bệnh rất cao. Có người còn nhổ gốc rạ, lá cây nấu tắm để mau hết bệnh, nhưng vô tình làm cho tình trạng bệnh xấu đi vì bị bội nhiễm.

Theo bác sĩ Trần Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, nguồn vắc-xin tiêm phòng bệnh thủy đậu đang khan hiếm, giá mỗi liều lên đến 316.000 đồng nên những người nghèo không có khả năng tiêm phòng cho trẻ.

Mặt khác, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền đối với bệnh này chưa có, trong khi ý thức người dân về việc phòng trị bệnh này chưa cao.

* Đồng thời với bệnh thủy đậu, bệnh sốt xuất huyết đang lan tràn ở tỉnh Đồng Tháp thuộc khu vực Đồng sông Cửu Long.

Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 700 ca mắc bệnh, tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2006, trong đó, có 1 ca tử vong ở người lớn.

Các huyện Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành có gần 100 ca/huyện.

Ng. Lan

Theo Cần Thơ, TTXVN
  • 306