Động vật hữu nhũ tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu và con người

  •  
  • 2.918

Các nhà khoa học làm việc tại Đại học Sydney, Úc nhận định rằng: cả biến đổi khí hậu lẫn con người phải chịu trách nhiệm về sự tuyệt chủng của các quần thể động vật hữu nhũ rộng lớn, hiện diện cách đây hơn 50.000 năm vào thời kỳ Băng Hà, kể cả những loài vật đặc thù như tê giác có lông tơ và voi ma mút.

Kết quả của nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Nature.

"Chúng tôi nhận thấy rằng, các loài động vật hữu nhũ có kích thước to lớn đã bị tuyệt chủng trong thời kỳ băng hà, bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những biến đổi về: khí hậu và môi trường sống, điều này làm tăng mối lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai đối với các loài động vật có kích thước to lớn hiện nay"
, theo Tiến sĩ Simon Ho, làm việc tại phân Khoa Khoa học sinh học, Đại học Sydney, Úc.

Trong nhiều thập niên, các nhà khoa học đã và đang thảo luận những lý do đằng sau sự tuyệt chủng hàng loạt bí ẩn của thời kỳ Đệ tứ muộn (kỷ Đệ tứ), gây ra sự mất mát của: 1/3 các loài động vật hữu nhũ kích thước lớn ở lục địa Á-Âu ; 2/3 các loài ở Bắc Mỹ, và gần 90% của các loài động vật có vú lớn và các loài chim ở Úc. Đặc biệt, vai trò của biến đổi khí hậu và con người trong việc thúc đẩy sự tuyệt chủng vẫn còn đang tranh cãi.

Động vật hữu nhũ tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu và con người

Để gỡ rối các tiến trình bên dưới sự tuyệt chủng của các loài động vật có kích thước to lớn này, các nhà nghiên cứu kết hợp thông tin từ: DNA cổ đại, dữ liệu khí hậu, và ghi chép khảo cổ học để kiểm tra sự tuyệt chủng của 6 loài động vật hữu nhũ ăn cỏ, gồm: con tê giác có lông tơ, voi ma mút, ngựa hoang dã, tuần lộc, bò rừng bizon và bò xạ.

Kết quả cho thấy không thể nhìn nhận một cách phiến diện rằng: chỉ có khí hậu hay chỉ có sự hiện diện của con người là chịu trách nhiệm về sự tuyệt chủng của các loài động vật hữu nhũ to lớn của thời kỳ Đệ tứ muộn (kỷ Đệ tứ); bởi vì mỗi loài động vật hữu nhũ khác nhau lại phản ứng rất khác nhau đến những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, môi trường sống và con người.

"Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi phức tạp hơn suy nghĩ trước đây của chúng tôi. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng: con người không tham gia vào những tác động dẫn đến sự tuyệt chủng của: tê giác có lông tơ hoặc bò xạ ở lục địa Á - Âu và sự biến mất của chúng là do tác động của biến đổi khí hậu", theo tiến sĩ Simon Ho.

"Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác động của con người khi nói đến sự tuyệt chủng của ngựa hoang dã và bò rừng bizon ở vùng Xibêri. Dù rằng biến đổi khí hậu cũng góp phần vào sự tuyệt chủng này, nhưng tổ tiên của chúng ta cũng đã chia sẻ trách nhiệm về sự tuyệt chủng của các loài động vật hữu nhũ to lớn. Mặc dù loài tuần lộc tương đối không bị ảnh hưởng bởi một trong những yếu tố này, những nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của voi ma mút lông đen hiện vẫn còn là một bí ẩn".

"Phát hiện của chúng tôi đã làm sáng tỏ những nguyên nhân lý giải cho sự tuyệt chủng vào thời kỳ Băng Hà, và gợi ý rằng cần quan tâm đến những nguyên nhân tổng quát, vốn không chỉ liên quan đến sự tuyệt chủng của các giống loài trong quá khứ mà còn liên quan tới cả tương lai của những giống loài động vật hữu nhũ trong hiện tại; điều này tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mọi người về: tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và con người lên sự tuyệt chủng các loài động vật hữu nhũ", theo Eske Willerslev, trưởng nhóm nghiên cứu, làm việc tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.

Vì rằng không thể đối chiếu các dữ liệu được phân tích trong nghiên cứu này, cho nên các tác giả không thể tìm thấy mô hình rõ ràng phân biệt giữa những loài đã tuyệt chủng như: tê giác có lông tơ và voi ma mút; với các giống loài sống sót như: ngựa hoang dã ở lục địa Á Âu và tuần lộc ở Bắc Mỹ; đây là một thách thức cho các chuyên gia trong việc dự đoán cách thức mà các loài động vật hữu nhũ hiện đại sẽ phản ứng lại với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu trong tương lai.

Hồ Duy Bình (sydney.edu.au)
  • 2.918